U buồng trứng ở thai phụ

U buồng trứng ở thai phụ

Khi u là ung thư buồng trứng thì việc điều trị rất tốn kém nhưng tỉ lệ thành công không cao, tiên lượng thường không tốt

Khi u là ung thư buồng trứng thì việc điều trị rất tốn kém nhưng tỉ lệ thành công không cao, tiên lượng thường không tốt

Ở nước ta, tình trạng phụ nữ bị ung thư buồng trứng giai đoạn muộn rất thường gặp và ung thư buồng trứng khi mang thai vẫn thường xảy ra. Ở Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, phụ nữ bị u buồng trứng trong lúc mang thai chiếm tỉ lệ từ 0,5% - 0,8% trong số phụ nữ mang thai đến khám thai. Có nghĩa là cứ 1.000 chị em đến khám thai thì có từ 5-8 chị em có khối u buồng trứng thực thể.


Thai phụ khó phát hiện bụng to do u


U buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa thường gặp và là một bệnh lý phức tạp về mặt phát hiện, chẩn đoán, tiên lượng và điều trị. Bệnh lý càng phức tạp hơn khi xảy ra cho chị em phụ nữ đang mang thai. U buồng trứng phát sinh từ các thành phần bình thường của buồng trứng, từ các di tích phôi thai của buồng trứng hay từ sự di căn của các khối u ác tính đường tiêu hóa.

U buồng trứng thường không có triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt, diễn tiến thầm lặng nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể cho những biến chứng và nguy cơ lớn nhất là khối u chuyển thành ung thư buồng trứng. Lúc đó, vấn đề điều trị rất tốn kém nhưng tỉ lệ thành công không cao, do đó tiên lượng thường không tốt cho tính mạng và sức khỏe của phụ nữ.

Khi phụ nữ mang thai có khối u buồng trứng thì cũng giống như người bình thường không có thai, thường không rõ triệu chứng cho đến khi có biến chứng. Có thể có những dấu hiệu mơ hồ như đau lưng, căng căng bụng, đau trằn bụng, thấy bụng lớn nhưng ở phụ nữ mang thai thì khó phát hiện hơn vì khó phân biệt đâu là bụng lớn do thai và đâu là bụng lớn do u buồng trứng. Ngoài ra, khi có dấu hiệu gầy ốm, sụt cân, đau bụng liên tục dữ dội, khó thở, bụng báng... thì đó là dấu hiệu của biến chứng chèn ép hoặc u buồng trứng bị xoắn, bị vỡ hoặc thoái hóa thành ung thư buồng trứng.


Nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ

Khi bệnh nhân được chẩn đoán là có khối u thực thể buồng trứng thì thường có chỉ định là phải phẫu thuật lấy khối u và thử giải phẫu bệnh lý để xác định là u buồng trứng loại nào, đã ung thư chưa và từ đó có kế hoạch chăm sóc và điều trị tích cực.

Đối với phụ nữ có thai cũng vậy, thầy thuốc cũng phải phẫu thuật lấy khối u ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Nhưng vấn đề đặt ra là khi phẫu thuật như vậy thì thai nhi và thai kỳ đều bị ảnh hưởng. Thai nhi có thể bị hư, bị sẩy thai, bị sinh sớm không thể nuôi được, thai kỳ bị đình chỉ và kết thúc.

Vì vậy, đối với thai phụ có khối u buồng trứng, nếu rơi vào tam cá nguyệt đầu (ba tháng đầu thai kỳ) thì người ta thường chờ đợi đến đầu tam cá nguyệt thứ hai (ba tháng giữa) mới thực hiện phẫu thuật để tránh gây sẩy thai và nếu u buồng trứng được phát hiện vào tam cá nguyệt thứ ba thì thường phải chờ đến sau sinh mới thực hiện cuộc phẫu thuật.

Nhưng quyết định chờ đợi như vậy, thường phải thực hiện một số xét nghiệm bắt buộc, phải siêu âm đánh giá khối u buồng trứng thật tỉ mỉ, kỹ càng và phải theo dõi thật sát diễn tiến của khối u buồng trứng. Khi các xét nghiệm đánh giá hoặc khi theo dõi qua siêu âm thấy khối u buồng trứng lớn nhanh nghi ngờ thoái hóa ác tính thì phải thực hiện phẫu thuật ngay cho dù thai nhi đang ở độ tuổi nào, có thể sống hay không. Vì sức khỏe, tính mạng của người mẹ được đặt lên hàng đầu và quan trọng nhất.

Để phát hiện u buồng trứng khi mang thai, tốt nhất trước hết chị em nên đi khám phụ khoa, siêu âm quan sát cơ quan sinh dục trong, đặc biệt là tử cung và hai buồng trứng trước khi dự định mang thai và sinh nở. Sau đó phải đi khám thai ngay sau khi thấy chậm kinh hoặc trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ để phát hiện u bướu của tử cung hoặc buồng trứng vì sau 3 tháng đầu do tử cung lớn lên theo sự phát triển lớn lên của thai nhi, u buồng trứng sẽ khó sờ thấy khi khám và khó nhìn được qua quan sát bằng máy siêu âm. Vì vậy, u buồng trứng rất dễ bị bỏ sót và việc thoái hóa ác tính có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của cả hai mẹ con.

Hiện người ta vẫn chưa tìm được loại thuốc nào, hóa chất nào làm tiêu đi khối u buồng trứng trong cơ thể nên phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất được lựa chọn bắt buộc.

U tiền đạo chặn đường ra của em bé khi sinh

Không phải tất cả các u buồng trứng đều có thể thoái hóa ác tính. Đa số u buồng trứng là lành tính, sau khi lấy khỏi cơ thể thì người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường và không bị tái phát. Có một số thai phụ có u buồng trứng loại u bì buồng trứng, khi vào sinh, u rơi xuống nằm lọt vào tiểu khung (y học gọi là u tiền đạo), chặn đường ra của em bé, phải mổ lấy thai và lấy khối u luôn trong khi phẫu thuật. Hoặc sau khi sinh, tử cung không còn em bé sẽ thu nhỏ lại, u buồng trứng có cuống sẽ rơi xuống tiểu khung, xoay cuống tạo thành u buồng trứng xoắn gây đau bụng dữ dội, nhiễm độc, lúc đó phải mổ cấp cứu

TS Huỳnh Thị Thu Thủy/http://www.nld.com.vn/20090630110315350P0C1050/u-buong-trung-o-thai-phu. htm