Dạy trẻ ứng xử với người giúp việc

Dạy trẻ ứng xử với người giúp việc

Cuộc sống ngày càng khá giả đi kèm với áp lực công việc nên người giúp việc là lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình. Các bà mẹ trẻ được “đỡ tay thay việc”. Nhưng từ đây lại phát sinh khá nhiều chuyện mà nếu không để tâm, thì có khi đó không còn là chuyện nhỏ.

Lỗi tại ai?

Chị Như (Q.Bình Thạnh, TP.HCM gần) như điên tiết lên khi nghe Tít, 5 tuổi kể rằng bà Tiến, người giúp việc, đánh nó. Chạy như bay lên nhà, vừa giáp mặt bà Tiến, Như gào lên: “Vì sao bà đánh nó, bà lấy quyền gì mà đánh nó. Bà mà còn như vậy nữa thì nghỉ làm đi”. Chị giúp việc 45 tuổi, rơm rớm nước mắt cúi đầu vì biết có muốn phân bua thì cũng khó có cơ hội.

Đó chỉ là một trong những “chuyện thường ngày” ở nhà chị Như. Chị luôn nghĩ người giúp việc do mình trả tiền, họ phải phục tùng mình, vì thế thằng bé con của chị cũng nghĩ thế. Nó sẵn sàng nạt nộ, gắt gỏng chị Tiến khi có chuyện gì nó không vừa lòng; mà mẹ nó thì chẳng bao giờ can thiệp.

Tức nước vỡ bờ, chị Tiến gặp ai trong khu chung cư cũng kể về gia đình chị Như với vẻ oán giận. Rồi mọi người trong chung cư cũng hiểu rằng, mâu thuẫn giữa người giúp việc với chị Như là do chị không biết dạy con, quá nuông chiều con và chính trong bản thân chị, sự phân định rạch ròi chủ-tớ khiến cho thằng bé bắt chước bởi nó chỉ là trẻ con.

Trong khi đó, chị Phi (Q.1, TP.HCM) lại rất quý người làm. Sau khi sinh bé thứ hai, do bận bịu chuyện trông coi tiệm hình cộng với chăm sóc con nhỏ nên hầu như chị “khoán trắng” bé Ly, 4 tuổi cho người giúp việc tên Hà. Công bằng mà nói, chị Hà là người biết thu vén, lại có vẻ thương trẻ con nên chị Phi cũng khá hài lòng. Một hôm trò chuyện với con, bất ngờ chị nhận thấy bé Ly nói chuyện luôn kèm theo chữ: “Mẹ nó”. Nghe cái giọng bi bô của đứa bé lên 4, chị vừa buồn cười vừa giận. Hỏi ra mới biết, bé “nhiễm” mấy từ “giang hồ” này là từ cô Hà giúp việc. Thế là từ hôm đó, chị Phi phải lập lại thời gian biểu của mình để có nhiều thời gian để mắt tới con hơn.

Dạy trẻ cách ứng xử với người làm

Mỗi đứa trẻ lớn lên đều phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và phương cách giáo dục của phụ huynh. Không ai khác hơn ngoài cha mẹ là người gần gũi, tiếp xúc, chăm sóc hằng ngày quyết định rất lớn đến sự hình thành nhân cách ở trẻ.

Đối với người làm, cha mẹ cũng nên tạo mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng vì giúp việc là một nghề và người giúp việc cũng là một lao động. Khi thấy cha mẹ tôn trọng người giúp việc, chắc chắn trẻ cũng sẽ có thái độ cư xử đúng mực.

Mối quan hệ giữa chủ nhà - người giúp việc trong nhiều trường hợp là mối quan hệ khá phức tạp. Có khi, giữa hai bên không phải không có mâu thuẫn, nhưng họ vẫn gắn kết với nhau vì lợi ích của hai bên. Trong trường hợp này, người lớn không được nhồi nhét vào đầu trẻ những ý nghĩ tiêu cực về người giúp việc, kiểu như “mày phải canh chừng con nhỏ đó ăn cắp đồ nhà mình”, hay “mẹ mày không có nhà thì phải canh chừng ba mày với cô giúp việc đó”. Với sự thơ ngây của mình, trẻ sẽ có những hành xử theo kiểu tiêu cực, như lom lom dò xét người giúp việc, buông ra những lời nhận xét thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng đối với người giúp việc, làm mâu thuẫn thêm nặng nề.

Do người giúp việc gắn bó với gia đình đã lâu, do không tìm được người thay thế... một số phụ huynh đành chấp nhận những những thói quen hành xử chưa tốt của người giúp việc, như ăn nói bỗ bã, ngồi lê đôi mách... Một mặt, phụ huynh cần nhẹ nhàng góp ý với người giúp việc để họ điều chỉnh, mặt khác, cần phân tích cho trẻ thấy đó là những hành vi chưa tốt, không nên học theo.

Tóm lại, trong tình hình cha mẹ ngày càng bận rộn hiện nay, thì người giúp việc cũng là người thường xuyên gần gũi với trẻ, và có ảnh hưởng nhất định đối với tính cách trẻ. Vì vậy, nếu nhà có con nhỏ, khi quyết định chọn người giúp việc, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến cả cách nói năng, cư xử của người giúp việc, chứ đừng nghĩ rằng chỉ cần “được việc” là đủ.

 Theo_Thanh_Nien