10 biện pháp chống stress trong thời kỳ mang thai

10 biện pháp chống stress trong thời kỳ mang thai

Thai kỳ là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời người phụ nữ, nhiều thay đổi về mặt sinh lý, xã hội, tâm lý... làm người mẹ tương lai (và cả người sắp làm bố) rất dễ bị stress.

Nguyên nhân chính của những rối loạn xúc cảm, thay đổi tính tình, dễ sinh bực dọc là do sự gia tăng lượng hormone khi mang thai, vì vậy, nếu kiểm soát được stress, người phụ nữ sẽ thấy thoải mái và khỏe khoắn hơn. Bài viết dưới đây xin đưa ra một số lời khuyên, có thể sẽ giúp bạn kiểm soát được stress theo chiều hướng tốt.

1. Tìm những yếu tố có thể giúp bạn thư giãn và thực hiện chúng. Chẳng hạn một số động tác đơn giản có thể giúp bạn thư giãn như: nằm nghỉ một chút, đặt bàn tay lên bụng để cảm nhận con bạn đang cựa quậy, ngâm mình trong nước ấm hay trò chuyện với trẻ nhỏ.

2. Ðảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ. Không nên để những công việc hàng ngày choán hết thời gian nghỉ ngơi của bạn. Hãy dành thời gian cho giấc ngủ, thậm chí phải có một thời gian biểu cho việc ngủ và nghỉ ngơi.

3. Vận động thường xuyên. Hàng ngày, cố gắng duy trì tập các bài thể dục thích hợp khi mang thai, trừ trường hợp bác sĩ khuyên rằng không nên. Hãy thường xuyên đi bộ.

4. Chế độ ăn cân đối. Không nên ăn các thực phẩm có tính kích thích và cũng không nên cố sức ăn, uống vì có thể làm bạn mệt mỏi, là điều kiện cho stress tăng lên. Tránh hẳn rượu, cà phê, thuốc lá...

5. Có những giờ phút yên tĩnh. Nên dành những khoảng thời gian riêng cho bạn để có thể suy tư, đọc báo, ngắm tranh, viết nhật ký...

6. Âm nhạc. Chơi một bản nhạc cổ điển hoặc một nhạc phẩm nào đó ưa thích có thể giúp bạn thư giãn và tập trung. Nếu không, cũng có thể nghe nhạc. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh âm nhạc rất có ích cho phụ nữ mang thai cũng như sự phát triển trí thông minh của trẻ ngay từ trong giai đoạn bào thai.

7. Tập tĩnh tâm. Những khi cảm thấy lo lắng, có những ý nghĩ bi quan tức là bạn đang bị stress, hãy thử làm như sau: không nghĩ đến điều đó nữa, hít một hơi thật sâu và thở ra từ từ. Sau đó, nhìn lại sự việc một cách khách quan và tự hỏi: "Mình có phóng đại quá hay không?". Nên nhớ rằng, sự gia tăng hormone trong thai kỳ có thể làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn so với bản chất của nó. Sau đó, bạn hãy tự hỏi: "Có cách nào khác để tiếp cận và giải quyết vấn đề không?".

8. Hãy tìm cách quên stress. Tìm một nơi nào đó mà bạn có thể ngồi yên một mình trong 10-15 phút để suy nghĩ về một vấn đề khác vui vẻ hơn. Stress sẽ nặng nề hơn khi bạn quá quan tâm đến nó. Nên nhớ rằng quanh ta còn có rất nhiều điều lý thú và vui vẻ chứ không phải chỉ toàn phiền muộn và lo âu.

9. Thư giãn bằng cách kiểm soát hơi thở. Trong mọi tình huống, nếu stress vẫn còn luẩn quẩn quanh bạn, hãy áp dụng kỹ thuật thư giãn sau: Ngồi thẳng lưng, tay để trên đùi, thả lỏng. Nhắm mắt lại. Hít vào thật sâu, nín thở trong 5 giây, sau đó thở ra từ từ. Bạn hãy ngồi yên, an nhiên tự tại, tập trung vào hơi thở của mình. Từ từ hít thở qua đường mũi. Mỗi khi thở ra, bạn hãy tự nhủ: "bình tâm".

Mỗi lần thở như vậy, có thể bạn sẽ cảm thấy tinh thần mình tĩnh lặng hơn một chút. Không quan tâm đến bất cứ điều gì khác, mọi việc cứ để nó đến rồi đi, bạn chỉ cần tập trung vào nhịp thở của mình. Sau 10-15 phút, mở mắt ra, ngồi thêm 2-3 phút nữa và có thể trở lại với công việc bình thường.

10. Ðừng nghĩ rằng mình đơn độc. Nên nhớ rằng bạn đang có thai và xung quanh còn có những người luôn sẵn sàng giúp đỡ mình (như gia đình, bạn bè, hàng xóm). Họ có thể giúp đỡ bạn về mặt thể chất cũng như tinh thần trước và sau khi sinh, sẵn sàng chăm sóc bạn và đứa bé nhưng đôi khi không biết bạn cần gì, vì vậy đừng ngại tâm sự cho họ biết những lo âu và những gì bạn cần được giúp đỡ.

Theo SKĐS