Giai đoạn ba khi chuyển dạ

Giai đoạn ba khi chuyển dạ

Đây là giai đoạn xổ nhau, điểm kết thúc hành trình sinh nở của người mẹ.

Đây là giai đoạn xổ nhau, điểm kết thúc hành trình sinh nở của người mẹ.

Bác sĩ sẽ tiến hành cân và kiểm tra bé sơ sinh nhanh sau đó. Nếu bé khỏe mạnh bình thường, người mẹ có thể đặt bé bên cạnh mình để cảm nhận niềm hạnh phúc được làm mẹ.

Một số bé có thể được tiêm vitamin K để đề phòng rối loạn xuất huyết. Một số bé khác được nuôi trong lồng kính với chế độ chăm sóc đặc biệt.

Lúc này, bác sĩ có thể đề nghị tiêm cho người mẹ một mũi vào bắp đùi để việc xổ nhau diễn ra dễ dàng và nhanh hơn (khoảng 5-15 phút). Nếu không tiêm, thời gian cho công đoạn này có thể kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

Người mẹ tiếp tục xuất hiện những cơn co thắt nhưng cảm giác không mạnh và đau như lúc sắp sinh bé. Theo từng đợt co thắt, nhau thai sẽ được đẩy ra ngoài qua đường âm đạo. Đồng thời, bác sĩ sẽ ấn một tay vào bụng người mẹ, tay kia nhẹ nhàng kéo dây rốn để nhau bong ra ngoài hoàn toàn. Bác sĩ sẽ kết thúc quá trình này bằng việc sờ vào bụng người mẹ kiểm tra xem tử cung của người mẹ đã co lại khi hết nhau thai chưa. Nếu phát hiện nhau thai chưa ra hết, bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời.

 
Ảnh: GettyImages

Cuối cùng, người mẹ sẽ được bác sĩ vệ sinh, khâu lại tầng sinh môn. Vết khâu tầng sinh môn sẽ nhanh chóng lành lại sau một khoảng thời gian và hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe người mẹ.

Cho bé bú sau khi sinh

Sau khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ, người mẹ có thể cho bé bú khi được sự đồng ý của bác sĩ. Nếu người mẹ bị gây tê, khoảng sau 6 giờ đồng hồ, sức khỏe ổn định, người mẹ có thể cho con bú (hành động ôm ấp bé sẽ khiến người mẹ cân bằng tâm lý và giảm thiểu cảm giác đau đớn).

Trường hợp chưa xuống sữa, người mẹ vẫn có thể ôm và cho bé “ngậm ti” để bé làm quen với việc bú mẹ sau này. Ngoài ra, động tác bú mẹ còn kích thích não mẹ tiết oxytocin, giúp sữa tiết ra nhanh hơn đồng thời giảm thiểu co thắt tử cung, hạn chế gây chảy máu.

Lưu ý tư thế cho bé bú

- Người mẹ nên giữ đầu và thân bé trên cùng một đường thẳng.

- Bụng bé áp sát vào bụng mẹ, mặt bé đối diện với bầu vú mẹ.

- Tay người mẹ cẩn thận đỡ đầu, thân và mông bé.

Dấu hiệu bé ngậm ti mẹ tốt

- Miệng bé mở rộng, môi dưới hơi hướng ra ngoài.

- Mặt bé đối diện với bầu vú mẹ.

- Bé “chóp chép” thật chậm rãi và thoải mái.