Massage cho bà bầu

Massage cho bà bầu

Massage là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp cho thai phụ tránh được những khó chịu về vấn đề đau lưng, đau cơ hay căng thẳng thần kinh.

Massage là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp cho thai phụ tránh được những khó chịu về vấn đề đau lưng, đau cơ hay căng thẳng thần kinh.
 

Lợi ích của việc massage

Việc xoa bóp cơ thể nhẹ nhàng trong thời gian mang thai có thể đem lại nhiều lợi ích như:

Về mặt tinh thần:

Massage đúng cách luôn giúp bạn được thư thái và giảm stress.

Trong suốt thai kỳ, bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng về những hoạt động sinh nở, về sự thay đổi của cơ thể, về sức khỏe của bé yêu trong bụng…  Việc xoa bóp nhẹ nhàng cơ thể sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn, thư giãn hơn và giúp bạn có được giấc ngủ dễ dàng hơn và sâu hơn.

Về mặt sức khỏe:

Các động tác massage không chỉ giúp bạn giảm bớt căng thẳng ở các khớp vùng xương chậu, lưng hay mắt cá chân, mà còn giúp xoa dịu cổ và chứng đau lưng.

Massage cũng giúp cải thiện các cơn đau nhức dây thần kinh hông; tránh được nguy cơ chuột rút, căng cơ, cứng cơ…; giải phóng cơn đau đầu và sung huyết xoang đồng thời giúp tuần hoàn máu được tốt hơn.

Thêm vào đó, massage còn giúp cơ thể bạn có sự chuẩn bị cho vận dụng cơ bắp trong quá trình sinh nở và giúp duy trì ổn định vóc dáng chuẩn sau sinh.

Tốt cho thai nhi:

Các động tác massage không chỉ tăng cường sức khỏe của mẹ mà còn kích thích, tăng cường sự phát triển tốt nhất cho thai nhi.

Với những người mang bầu từ 4 - 5 tháng trở lên, cần được tư vấn bởi các chuyên gia.

Một số phương pháp massage đơn giản

Bạn có thể tự massage cho bản thân mình hoặc nhờ chồng hay người thân massage cho bạn.

Tự massage: Theo TìmNhanh!, có một số phương pháp tự massage rất hiệu quả cho thai phụ như:

Mặt:

- Bạn nằm ngửa, nhắm mắt thư giãn. Bàn tay đặt lên giữ trán, ngón tay buông lỏng, nắn nhẹ ngón tay từ từ kéo ra mép tóc. Động tác này giúp giảm đau đầu, chóng mặt.

- Dùng 2 bàn tay phủ lên mặt, các ngón tay đặt trên trán, bàn tay tì lên cằm. Sau vài giây, kéo bàn tay về hướng 2 tai. Động tác này giúp bạn được thư giãn các cơ vùng mặt.

- Dùng mu 2 bàn tay, lần lượt vỗ ngược nhẹ nhàng lên cằm. Các động tác nhanh và liên tục để kích thích sự tuần hoàn máu dưới cằm. Động tác này giúp tạo sự rắn chắc cho cằm.

- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhéo nhẹ nhàng xung quanh xương quai hàm. Chú ý không nên kéo da căng quá. Động tác này giúp cổ bạn chắc chắn.

Ngực vai:

Bạn nằm ngửa, dùng 2 tay vuốt nhẹ xuống xương cổ, vuốt nhẹ hai tay lên vùng vai và nách. Bóp nhẹ nhàng xương vai, cơ vai và cánh tay.

Bụng:

Đặt hai tay lên nhau, xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ, sau đó 2 tay ở hai vị trí tiếp tục xoa.

Lưng:

Bạn nằm nghiêng, đặt 2 tay ở thắt lưng từ từ chuyển dọc cơ thể. Xoa nhẹ từ trên vai kéo dọc cơ thể tỏa ra hai bên sườn. Động tác này giúp giảm đau lưng, lưu thông khí huyết tới thai nhi nhiều hơn.

Chân:

Bạn có thể chọn tư thế nằm nghiêng hay nằm ngửa. Hai tay xoa từ khuỷu chân đến bắp đùi. Đặt tay ở đầu gối vuốt ngược lên đùi. Nắn nhẹ nhàng bắp chân. Xoa bóp bàn chân. Động tác này giúp lưu thông máu, giảm sưng phù, giãn tĩnh mạch, rạn da.

Chồng bạn massage cho bạn: Theo Cẩm nang Mang thai & Sinh con, chồng bạn có thể giúp bạn dễ chịu bằng 3 phương pháp massage sau:

Xoa bóp theo các vòng tròn: Dùng cả lòng bàn tay vuốt nhẹ theo vòng tròn từ xương sống trở ra. Khi xoa bóp qua bụng hay ngực cần phải thật chậm rãi và nhẹ nhàng.

Phương pháp vuốt: Dùng các đầu ngón tay thật nhẹ nhàng lướt theo vòng tròn khắp trên da. Có thể áp dụng phương pháp này cho vùng bụng.

Chà lướt trên da: Đặt 2 lòng bàn tay vào 2 bên xương cụt, đầu ngón tay hướng về từ phía đùi. Đẩy nhẹ 2 bàn tay lên phía 2 vai và không được dùng sức để ấn. Từ từ chà lướt xuống trở lại vị trí cũ.

Kết hợp với liệu pháp hương thơm

Một số loại tinh dầu không những tạo cảm giác thư giãn mà còn giúp sát khuẩn và giảm đau, rất có lợi đối với phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, cũng có một số loại tinh dầu rất có tác dụng với người bình thường nhưng lại có ảnh hưởng không tốt tới bạn.

Những tinh dầu tốt cho phụ nữ mang thai:

Hoa cúc: Giúp khử trùng, giảm đau, giảm sự co thắt, kháng viêm. Loại tinh dầu này còn giúp xoa dịu các chứng đau cơ, đau đầu, đau răng và chứng khó tiêu.

Khuynh diệp: Có tác dụng khử trùng, kháng sinh, giảm đau, kháng viêm và chống virus. Loại này đặc biệt tốt cho hô hấp.

Oải hương: Có tính năng sát khuẩn, giảm đau, chống suy nhược, xoa dịu và mang lại cảm giác thư giãn. Nó còn giúp làm dịu các chứng đau nhức trong thời kỳ mang thai, kích thích sự tái tạo tế bào mới.

Bưởi: Giúp tiêu hóa tốt, cầm máu và giữ ẩm.

Trà xanh: Có tác dụng khử trùng, sát khuẩn, chống vi rút, tẩy uế và trị liệu nấm da.

Quýt: Khử trùng, tạo sự sảng khoái, thư giãn, xoa dịu chân và massage mắt cá chân.

Những loại tinh dầu mà phụ nữ mang thai nên tránh:

Bạn nên hạn chế hoặc tránh không dùng một số loại tinh dầu sau trong thời kỳ mang thai: Húng quế, tuyết tùng, quế, đinh hương, bạc hà, hoa nhài…

Cách sử dụng tinh dầu:

Phương pháp massage: Bạn cần pha loãng tinh dầu trước khi sử dụng, tỷ lệ tiêu chuẩn quy định cho phụ nữ mang thai là 2% (tương đương 10 giọt tinh dầu trong 30 gram hỗn hợp trị liệu).

Hỗn hợp này được dùng để massage cho bạn nhằm đem lại cảm giác hoàn toàn thư giãn và xoa dịu các giác quan.

Phương pháp tắm liệu pháp hương thơm: Bạn nhỏ từ 6 – 10 giọt tinh dầu vào bồn nước ấm và hòa tan chúng với nước. Sau đó bạn có thể tắm và ngâm mình. Phương pháp này giúp thư giãn khung xương chậu và phòng tránh các vết rạn da.

Phương pháp xông: Bạn nhỏ 3 – 6 giọt tinh dầu vào một bát nước ấm. Sau đó, bạn hít thở đều đặn khi mùi hương của chúng phát tán cùng với hơi nước trong không khí.

Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp massage

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng phương pháp massage, đặc biệt trong các trường hợp sau:

- Bạn có bầu từ tháng thứ 4 trở đi

- Bạn có nguy cơ sảy thai cao

- Bạn có nguy cơ bị các biến chứng như tiền sản giật…

Bạn nên hợp tác với một chuyên gia massage để được tư vấn đầy đủ về các động tác cũng như tư thế massage thích hợp với thai kỳ của bạn.

Tinh dầu rất tốt cho thai phụ, tuy nhiên bạn nên thận trọng khi sử dụng chúng. Bạn nên tránh sử dụng tinh dầu trong 3 tháng đầu và nên ngừng lại khi bạn bị dị ứng với hương thơm.

Nếu chồng bạn massage cho bạn, anh ấy cần phải làm nóng 2 tay trước khi thực hiện. Nhẫn hay vòng trên tay chồng bạn cũng có thể gây cản trở, thậm chí gây tổn thương lên vùng da bạn trong quá trình xoa bóp.

Các động tác massage cần phải chậm rãi và nhẹ nhàng, từ từ gia tăng áp lực để tạo cảm giác thư giãn cho bạn.

Khi massage da mặt, bạn cần phải tùy theo tình trạng da mặt mình mà điều chỉnh các động tác mạnh, nhẹ phù hợp.

Khi massage cần lưu ý không kích thích nhiều và mạnh vào vùng ngực, bụng (đặc biệt trong 3 tháng đầu và cuối thai kỳ); đồng thời không nên ấn trực tiếp và kéo dài quá lâu giữa các điểm xương mắt cá chân và gót chân để tránh thúc đẩy sự chuyển dạ sớm ở thai phụ.

Sau khi massage, bạn có thể xoa kem chống nẻ, vaseline vào những vùng da dễ rạn như đùi, bụng, eo lưng… (tuy nhiên không nên xoa quá nhiều hay chà sát mạnh tay).

(mevabe.net)