10 lo lắng thái quá của bà bầu (P.2)

10 lo lắng thái quá của bà bầu (P.2)

Phần lớn các bà mẹ đều lo lắng về khả năng phục hồi thân hình sau sinh. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, 14-20% phụ nữ sẽ giữ nguyên trọng lượng cơ thể như lúc mang thai trong một khoảng thời gian sau khi sinh bé.

Phần lớn các bà mẹ đều lo lắng về khả năng phục hồi thân hình sau sinh. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, 14-20% phụ nữ sẽ giữ nguyên trọng lượng cơ thể như lúc mang thai trong một khoảng thời gian sau khi sinh bé.

Nhóm phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ sớm lấy lại vóc dáng thon thả hơn. Nguyên nhân là do sự chuyển hóa năng lượng trong cơ thể mẹ luôn được duy trì cân bằng qua hoạt động cho bé bú. Hơn nữa, quá trình cho bé bú cũng sẽ tiêu tốn của bạn hàng trăm kalo mỗi ngày và giúp bạn giảm cân tự nhiên.

Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo bạn nên tăng cường các hoạt động thể chất. Sự giảm cân sẽ hiệu quả hơn nếu bạn kết hợp giữa việc ăn uống hợp lý với vận động thường xuyên (tránh ăn kiêng vì điều này sẽ gây thiếu chất cho cơ thể bạn và ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé).

Ảnh: Parents.

7. Sợ phải đối mặt với nguy cơ tiền sản giật hoặc bệnh tiểu đường

Khoảng 5-8% thai phụ gặp phải tình trạng tiền sản giật. Nguy cơ tiền sản giật gia tăng ở nhóm bà bầu dưới 18 hoặc trên 35 tuổi và những phụ nữ có tiền sử huyết áp cao.

“Nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu của tiền sản giật, bác sĩ sẽ sớm phát hiện và cho bạn những lời khuyên hợp lý nhất” – Bác sĩ Ashton (Hoa Kỳ) chia sẻ.

Tiền sản giật thường xuất hiện từ nửa cuối quý II của thai kỳ trở đi, một số trường hợp đặc biệt tình trạng này xảy ra và một, hai ngày cuối hoặc trong quá trình chuyển dạ.

Cách tốt nhất, bạn nên thường xuyên đi khám thai định kỳ. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ thật cẩn thận nếu bạn xuất hiện dấu hiệu phù nề (ở mặt, chân), hoa mắt, chóng mặt…

Tương tự, nguy cơ với những thai phụ mắc chứng tiểu đường cũng rất thấp. Dưới sự trợ giúp của bác sĩ thì ngay cả những thai phụ có tiền sử mắc tiểu đường cũng ít phải đối mặt với những nguy hiểm khi chuyển dạ.

8. Lo lắng sẽ giảm ham muốn sau sinh

Hội chứng lãnh cảm sau sinh là có thật với một số ít thai phụ. Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ đều vướng phải khó khăn này. Vào tháng đầu sau sinh, bạn có thể thèm ngủ hơn thèm "yêu". Các bác sĩ gợi ý rằng, tâm lý ngại "yêu" cũng bình thường, bởi vì âm đạo vẫn còn cảm giác đau và kém thoải mái vì trải qua sinh nở.

Thêm vào đó, quá trình cho con bú (nhất là bú đêm) cũng làm vợ chồng bị cụt hứng với chuyện ấy. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nữa, khi cơ thể bạn hồi phục thì ham muốn yêu sẽ tự nhiên quay lại.

Ảnh: Parents.

9. Sợ đau đẻ

Bên cạnh niềm hạnh phúc khi bé mỗi ngày mỗi lớn hơn, bạn sẽ xuất hiện nỗi sợ đau khi sinh nở (đặc biệt với bà mẹ sinh con lần đầu). Những câu hỏi như: Không biết cảm giác đau đẻ sẽ như thế nào, kéo dài bao lâu, có nguy hiểm gì không?... luôn thường trực trong đầu bạn.

Nên nhớ rằng, với kỹ thuật y khoa tiên tiến ngày nay thì quá trình chuyển dạ không còn là thử thách hiểm nguy nữa. Nếu bạn thuộc nhóm thai phụ dễ lo lắng, bạn có thể tìm hiểu thêm kiến thức về quá trình mang thai và sinh nở cho yên tâm. Có rất nhiều bài viết kèm theo hình minh họa về quá trình vượt cạn của phụ nữ mà bạn nên tham khảo. Ngoài ra, bạn cũng nên đăng ký tham gia lớp học tiền sản để giảm thiểu cảm giác đau đớn khi chuyển dạ.

“Lờ đi những mối lo không cần thiết. Bạn nên trao đổi cởi mở những điều sợ hãi trong lòng với bác sĩ hoặc những người mẹ có kinh nghiệm. Bạn sẽ tìm được đáp án để giải mã cho nỗi sợ của mình” – Bác sĩ Morse cho biết.

10. Bối rối khi chuyển dạ

Những phụ nữ lần đầu làm mẹ thường hoang mang khi phải ở trên bàn sinh một mình mà không có người thân bên cạnh (trừ một số ít bệnh viện chấp nhận cho người thân của sản phụ vào phòng sinh).

“Chính tâm lý hoảng hốt sẽ làm quá trình chuyển dạ của bạn khó khăn hơn. Bạn chỉ nên tập trung suy nghĩ niềm vui sắp được thấy mặt bé thay vì phân tán tư tưởng vào những điều không đâu. Cố gắng áp dụng những bài tập thở bạn đã từng được học, cơn chuyển dạ sẽ trôi qua êm đẹp” – Morse gợi ý.

(Theo Parents)