Xử trí những rắc rối khi mang thai

Xử trí những rắc rối khi mang thai

Khi mang thai, hàng loạt những rắc rối nảy sinh khiến bà bầu lúng túng và mệt mỏi. Nếu biết cách, bạn sẽ phần nào thích ứng được với thay đổi khó chịu này.

Khi mang thai, hàng loạt những rắc rối nảy sinh khiến bà bầu lúng túng và mệt mỏi. Nếu biết cách, bạn sẽ phần nào thích ứng được với thay đổi khó chịu này.

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng cho hay, những rắc rối mà thai phụ thường gặp nhất là tình trạng buồn nôn, nôn, bị chuột rút, táo bón, đầy hơi, đau lưng và hiện tượng phù nề chân... Hầu hết các bà bầu đều phải trải qua những hiện tượng này, tuỳ mức độ.

Thai phụ có thể khắc phục tình trạng khó chịu trong thời kỳ thai nghén theo những cách sau:

Buồn nôn, nôn

Buồn nôn, nôn vào buổi sáng là một hiện tượng rất phổ biến, đến 90% thai phụ phải trải qua. Cách khắc phục tình trạng này là buổi tối, trước khi đi ngủ, hãy vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Buổi sáng, khi mới thức giấc, không nên vội trở dậy mà hãy nằm trên giường và ăn nhẹ. Tốt nhất là ăn một ít bánh quy, nhất là bánh quy có vị gừng ngay khi vừa mới ngủ dậy. Sau đó từ 10 – 30 phút mới trở dậy đi làm vệ sinh răng miệng. Như vậy, sẽ giảm đáng kể tình trạng bị nôn, buồn nôn vào buổi sáng sớm.

Những người bị nghén nôn, buồn nôn rất nhạy cảm với mùi lạ mùi dầu mỡ, khí than, khói thuốc. Do vậy, trong thời kỳ thai nghén, cần tránh hơi thuốc, khí than, tránh ăn thức ăn có mùi lạ sẽ làm bạn khó chịu.

Ngoài ra, bạn hãy điều chỉnh chế độ ăn hợp khẩu vị nhất trong thời kỳ thai nghén. Như thay đổi cách nấu nướng để ăn dễ hơn. TS Lâm cho hay, có nhiều thai phụ rất sợ “mùi” cơm nóng, khi đó, đừng ngại ngần hãy để cơm thật nguội ăn sẽ dễ hơn mà cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thậm chí, nếu sợ ăn cơm, bà bầu vẫn hoàn toàn có thể ăn các thực phẩm khác như bún miến, mì tôm, ngô… vẫn đảm bảo cung cấp lượng tinh bột cần thiết trong ngày.

Bà bầu nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi lần một ít, không nên để bụng quá đói hoặc quá no vì hai trạng thái này đều làm dạ dầy khó chịu, dễ gây buồn nôn. Khi ăn cơm, không nên chan canh, hoặc giảm lượng canh tới mức tối thiểu. Không ăn quá nhiều đồ mỡ hoặc gia vị.

TS Lâm cho biết, gừng là một gia vị cực kỳ hữu ích với những thai phụ bị chứng nghén nôn, buồn nôn. Gừng có thể làm dịu cảm giác buồn nôn ở thai phụ. Chỉ cần 250mg gừng khô hoặc 1g gừng tươi dùng 3 - 4 lần trong ngày, hoặc ăn bánh quy có vị gừng, ngậm một lát mứt gừng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này, nhất là sẽ giảm được triệu chứng buồn nôn và khó chịu vào buổi sáng.

Hoa mắt, chóng mặt

Bạn hãy nhớ, đừng ngồi dậy, đứng lên một cách đột ngột mà vận động từ từ để não khỏi thiếu máu. Triệu chứng này cũng cho thấy bạn đã bị thiếu máu do thiếu sắt. Hãy tăng cường ăn thức ăn giàu thịt cá trứng, sữa, đậu đỗ và nên ăn thực phẩm có bổ sung chất sắt, như bánh quy, nước mắm giàu sắt và uống viên sắt đều đặn.

Khi bị chuột rút

Bị chuột rút cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở các bà bầu. Để khắc phục tình trạng này, tốt nhất là bạn hãy tăng cường vận động thường xuyên cho đôi chân bằng phương pháp đi bộ.

Ngoài ra, muốn tránh bị chuột rút, đừng đứng, ngồi hay nằm quá lâu ở một tư thế. Còn khi bị chuột rút, bạn đừng chỉ nhăn nhó rồi chờ cơn co cơ qua đi, mà hãy cố gắng duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân, cơ sẽ duỗi ra.

Chuột rút cũng là triệu chứng của thiếu canxi, lúc này cần chú ý đến chế độ ăn có đủ các thực phẩm giàu canxi như sữa, bánh quy có bổ sung canxi… để đảm bảo đủ cung cấp cho cơ thể 1.000 - 1.200mg canxi/ngày. Trong nhiều trường hợp, thai phụ cần dùng các chế phẩm giàu canxi như thuốc… nhưng lúc này, cần phải dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Đầy bụng, táo bón

Hầu hết thai phụ đều bị tình trạng này, nhất là ở những tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân cơ bản là giảm nhu động ruột do những thay đổi về nội tiết trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, còn phải đến các nguyên nhân khác gây táo bón như chế độ ăn, hoạt động thể lực, tâm lý… Tuy nhiên, bà bầu hoàn toàn có thể tự luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn để giảm hiện tượng táo bón mà không phải dùng thuốc nhuận tràng.

Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau, quả chín. Tránh các chất nóng, đồ hộp, đồ uống có ga. Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm, nhai kỹ. Nên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng. Nhất là vào mỗi sáng ngủ dậy, hãy uống uống một cốc nước đầy, ngồi thở thật sâu, dùng lòng bàn tay mát - xa vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại chừng 15 phút sẽ có tác dụng kích thích các nhu động ruột, giúp việc tiêu hoá trở nên dễ dàng hơn.

Đau lưng

Cần thường xuyên thay đổi vị trí, tư thế thay vì ngồi hay đứng lâu đều gây đau lưng. Nhất là cần có tư thế nằm ngủ đúng, không nên ngủ đệm mềm và chỉ nên gối đầu cao vừa phải. Mỗi ngày, hãy dành ít phút tập các động tác thể dục vặn lưng đơn giản sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng này. Ngoài ra, để giảm đau lưng bạn hãy nhớ, hãy tránh xa giày dép cao gót.

Phù bàn chân và mắt cá chân


Nên ăn uống hợp lý và uống nhiều nước, không nên ăn mặn quá. Khi nằm nghỉ, hãy gác chân lên cao. Còn khi thấy phù nhiều bạn hãy nên đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý thích hợp.

Theo KH&DT