Việc cần làm trước khi mang bầu

Việc cần làm trước khi mang bầu

Bác sỹ sẽ kiểm tra tổng thể hoạt động của các cơ quan sinh dục, dạ con, buồng trứng, vòi trứng... vì đây là những cơ quan sẽ chịu trách nhiệm nặng nề nhất từ khi thụ thai và suốt thời gian mang thai.

1.    Gặp bác sỹ phụ khoa.
Bác sỹ sẽ kiểm tra tổng thể hoạt động của các cơ quan sinh dục, dạ con, buồng trứng, vòi trứng... vì đây là những cơ quan sẽ chịu trách nhiệm nặng nề nhất từ khi thụ thai và suốt thời gian mang thai.

2.    Thử máu và tiêm vacxin.
Bạn phải thử máu để kiểm tra lượng sắt trong máu, kiểm tra xem mình có mắc hay đã miễn dịch với những chứng bệnh nguy hiểm cho thai kỳ như: rubeolla, thủy đậu, HIV, viêm gan B... hay không. Ngoài ra bạn phải thử máu để xác định nhóm máu, độ đông chảy máu, kiểm tra yếu tố Rêzut của bạn và của chồng bạn.
Nếu bạn có đủ lượng sắt sẽ tránh được nguy cơ thiếu máu thường gặp khi mang thai. Việc xác định nhóm máu và yếu tố Rêzut cũng rất quan trọng để biết xem em bé tương lai có khả năng nằm trong nhóm nguy hiểm do sự kị nhau của hai nhóm máu của bố mẹ hay không (có nhiều trường hợp trẻ vừa sinh ra đã chết ngay do nằm trong nhóm nguy hiểm do sự không tương thích nhóm máu của cha mẹ). Còn các căn bệnh khác như rubeolla, thủy đậu, HIV, viêm gan B đương nhiên là hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của bạn và khả năng sinh con dị tật là rất cao. Riêng bệnh rubeolla nếu bị mắc trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ sinh con bị tim bẩm sinh và điếc.  Nếu chưa được miễn dịch những căn bệnh trên bạn cần phải tiêm chủng. Bạn đừng quên một điều là nhất định chỉ được thụ thai sớm nhất là sau 3 tháng kể từ ngày tiêm chủng. 3 mũi viêm gan B được tiêm trong vòng 6 tháng và sau đó cũng phải đợi qua 3 tháng mới được thụ thai.

3.    Xét nghiệm các loại bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục.

Tất cả các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm tiết niệu đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống sinh sản.Nếu bạn không phát hiện và điều trị sớm những bệnh này thì khả năng vô sinh, sinh con di tật, sảy thai và thai lưu là rất cao. Nếu phát hiện ra mình mang bệnh nhất định phải chữa trị và chữa trị cùng với chồng hoặc bạn tình thì mới triệt để và dứt điểm.

4.   Kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
Nếu cơ thể thiếu iốt rất dễ sinh con bị thiểu năng trí tuệ nên bạn cần kiểm tra hoạt động của tuyến giáp trước khi quyết định mang thai.

5.    Gặp bác sỹ nha khoa.
Về nguyên tắc bạn hoàn toàn có thể chữa răng khi mang bầu, tuy nhiên trong thai kỳ không nên chụp X quang, hơn nữa trong thời gian này những chiếc răng sâu tai hại dễ gây nhiễm trùng, rất có hại cho bạn và thai nhi.

6.    Gặp các bac sỹ chuyên khoa (nếu bạn mắc những bệnh bẩm sinh, di truyền hoặc mãn tính).
Nếu bạn bị mắc những căn bệnh bẩm sinh, di truyền hay mãn tính hãy tư vấn với các bác sỹ chuyên khoa về chế độ ăn uống, sinh hoạt, những loại thuốc có thể dùng trong thai kỳ để giảm thiểu rủi ro.

7.    Uống vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Nhiều bộ phận quan trọng của trẻ được hình thành ngay từ những tuần đầu tiên sau khi thụ tinh nhưng các bà mẹ trẻ chỉ biết là mình có thai và đi khám khi chậm kinh vài tuần thậm chí là lâu hơn. Khi đó thai nhi đã được 4 tuần hoặc hơn thế nữa. Chính vì vậy nên uống vitamin tổng hợp từ vài tháng trước khi thụ thai, nên chọn mua những loại vitamin tổng hợp có chứa sắt và axit folic. Nếu trong 3 tháng đầu của thai kỳ các bà mẹ uống vitamin tổng hợp đều dặn sẽ giảm đáng kể khả năng sinh con với các di tật về cột sống.

theo: tạp chí mẹ&bé