Cho tinh trùng và những hệ luỵ khó ngờ

Cho tinh trùng và những hệ luỵ khó ngờ

Khi một người đàn ông đi cho tinh trùng, anh ta không thể hình dung rằng một ngày nào đó, một trong 100 sản phẩm ra đời từ tinh trùng của mình sẽ đến gõ cửa nhà mình.

Khi một người đàn ông đi cho tinh trùng, anh ta không thể hình dung rằng một ngày nào đó, một trong 100 sản phẩm ra đời từ tinh trùng của mình sẽ đến gõ cửa nhà mình.

Dù ra đời đã hơn một thế kỷ, nhưng chỉ đến khi xuất hiện ngân hàng tinh trùng cách đây 30 năm, thì phương pháp thụ tinh nhân tạo nhờ tinh trùng của người cho (IAD) mới trở thành một ngành kinh doanh ở Mỹ.

Theo Cơ quan kiểm tra an toàn thực - dược phẩm của Mỹ (FDA), mỗi năm có khoảng 80.000-100.000 trường hợp IAD được thực hiện tại nước này, với khoảng 22.500 ca thụ thai, chiếm tỷ lệ 25%.

Người cho tinh trùng ở Mỹ có thể chấp nhận cung cấp vài chi tiết cá nhân như tuổi, chủng tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thú vui giải trí, và thậm chí cả những bức ảnh lúc còn nhỏ. Những thông tin này được dùng làm cơ sở dữ liệu để từ đó, người xin có thể chọn lựa đặc điểm của người cho.

Tất cả mong muốn rằng sau khi mọi thủ tục hoàn tất, sẽ không ai thắc mắc gì nữa. Thế nhưng, ngày càng có nhiều trẻ em mong muốn tìm ra “người cha ống nghiệm” của mình.

Bác sĩ Rothman, giám đốc y khoa của California Cyrobank ở Los Angeles, Mỹ, một trong những ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới thừa nhận rằng đây là vấn đề rất khó xử, bởi đứa trẻ sinh ra cho rằng mình có quyền được biết đặc điểm di truyền vì những lý do từ mặt tình cảm (liệu “người cha ống nghiệm” có thích cùng loại nhạc như tôi?) đến những lý do rất thực tế (nguy cơ bệnh di truyền chẳng hạn).

Nhà tâm lý học Dorothy Greenfeld thuộc Trung tâm y học sinh sản, Đại học Yale, giải thích: “Khi một người đàn ông đi cho tinh trùng, chẳng ai lưu ý với anh ta về những vấn đề có thể nảy sinh. Kết quả là người cho không hề hình dung rằng một ngày nào đó, một trong những sản phẩm ra đời từ tinh trùng của họ đến gõ cửa nhà họ”.

Hơn nữa, không phải chỉ có một người đi tìm. Người cho được trả 40-55 euro cho một lần lấy. Mẫu tinh trùng sẽ được chia thành 4 ống, mỗi ống bán với giá 160-240 euro. Như vậy, một mẫu tinh trùng cung cấp 400 triệu con sau khi trữ lạnh có thể giúp sản sinh ra 4 đứa trẻ.

Theo các ngân hàng tinh trùng ở Mỹ, một người cho đều đặn có thể giúp ra đời khoảng một trăm đứa trẻ như chơi. Bác sĩ y khoa John 37 tuổi đã cho tinh trùng hai lần mỗi tuần, trong suốt hai năm rưỡi, nhằm “xoay xở cuộc sống”.

Năm ngoái, khi các “đứa trẻ IAD” kể lại cuộc tìm kiếm người cha sinh học của chúng (vài trường hợp thành công) xuất hiện trong các chương trình truyền hình talk-show, John cảm thấy sợ.

Anh kể: “Tôi cảm thấy cuộc sống của mình bị quấy rầy bởi cả chục đứa trẻ mà có thể tôi đã giúp chúng ra đời”. Cho đến nay vẫn độc thân và chưa có đứa con nào “của mình”, John nghĩ rằng có thể một ngày nào đó, anh sẽ chấp nhận tiếp xúc với một hoặc hai trong số những đứa trẻ này. “Nhưng tới một trăm đứa thì có nước tiêu đời!”.

Cùng tâm trạng với John là Bob Gerardot, người đã thực hiện hàng trăm lần cho tinh trùng trong khoảng thời gian 1981-1985.

Khi được ngân hàng tinh trùng Xytex gọi điện thoại để thông báo rằng một trong những hậu duệ của ông, một cô gái 17 tuổi tên Katie Whitaker tìm cách muốn gặp ông, Bob cảm thấy như bị phản bội bởi Xytex đã cam kết giữ kín lai lịch.

Sau khi đã kịp trấn an gia đình (Bob đã có vợ và 2 con trai còn nhỏ) và gặp lại đứa con IAD, Bob bàng hoàng khi được biết rằng 99 trong số những lần cho tinh trùng của ông đã được nhận: đủ để cho ra đời 100 hoặc 200 đứa trẻ.

Người đàn ông 50 tuổi này thừa nhận: “Nếu biết trước rằng một ngày nào đó một trong số những đứa trẻ này bước vào đời tôi, tôi không nghĩ liệu mình có dám đi cho tinh trùng hay không. Tôi biết làm gì đây nếu những đứa trẻ còn lại đến gõ cửa nhà mình? Bảo với chúng rằng cuộc đời tôi chẳng còn chỗ dành cho chúng ư? Chúng sẽ phản ứng ra sao? Còn tôi sẽ là gì trong tất cả chuyện này?”.

Nhưng cũng có những người mong muốn giúp đỡ những đứa trẻ IAD tìm lại được người đã tạo hình hài của chúng. John Sylla, quan tòa ở San Francisco là một trường hợp. Ông từng cho tinh trùng lúc đang học luật vào đầu những năm 1980. Việc đảm bảo bí mật danh tánh đã thuyết phục Sylla làm chuyện đó:

“Bác sĩ cam đoan với tôi rằng mọi thứ đều được đóng dấu mật và hồ sơ sẽ được tiêu hủy sau vài năm”. Sylla lập gia đình và ly dị sau khi có một đứa con.

Chỉ đến khi gặp đứa con thụ thai từ tinh trùng của một người cho là bạn thân, ông mới bắt đầu nghĩ đến những đứa con “của mình”. Trong khoảng thời gian đó, bệnh viện mà ông cho tinh trùng đã đóng cửa. Thế là Sylla lập ra trên một trang web thư điện tử cho những người cho tinh trùng.

Đối với ông, “người ta đã tước đi quyền được biết người cha sinh học của những đứa trẻ này, và tôi muốn chúng có thể tìm được tôi nếu chúng muốn”.

Đứng trước những yêu cầu tương tự ngày càng tăng, California Cryobank và các ngân hàng tinh trùng khác quyết định xem lại chính sách giữ bí mật danh tánh người cho. Họ muốn lập ra một phân dạng người cho sẵn sàng tiết lộ danh tính cho những đứa trẻ khi chúng đến tuổi 18.

Dù tinh dịch của một ứng viên phải trải qua các xét nghiệm nghiêm ngặt với chi phí tốn kém nhằm xác định khả năng sống còn, các chứng bệnh và sai sót về mặt di truyền, nhưng vẫn có sơ suất chết người.

Năm 1986, khi người cho mang mã số 276 cho Cryobank các mẫu tinh trùng, khả năng xác định lai lịch chưa hề có. Ngày nay, chắc chắn là ông ta không muốn nghe nói đến Brittany Johnson, cô con gái 14 tuổi chào đời nhờ ông ta nhưng đồng thời mắc một chứng bệnh chết người: bệnh thận nặng và bẩm sinh trong 50% các trường hợp.

Đúng là mã số 276 đã khai rằng mẹ và dì của ông bị bệnh thận, nhưng Cryobank lại không có chuyên gia cố vấn về di truyền học và không cảnh báo về trường hợp này. Thế là Brittany ra đời từ tinh trùng có mầm bệnh.

Gia đình Johnson đã kiện Cryobank ra tòa vì tội khinh suất trong nghề, gian lận và không tôn trọng hợp đồng. Mục đích của họ là tìm lại người cho 276 để hiểu rõ hơn các vấn đề về thận của con gái. Khi Cryobank từ chối cung cấp danh tính, gia đình Johnson thuê thám tử tư và cuối cùng tìm được mã số 276. Năm 2000, tòa án tối cao bang California khẳng định rằng người cho giữ bí mật danh tính có thể buộc phải làm chứng trong một vụ kiện ngân hàng tinh trùng đã mua tinh dịch của anh ta. Mã số 276 đã ra làm chứng trong vụ xử kín năm 2001. Và Cryobank đề nghị trả 1 triệu euro để khép lại vụ kiện…

Không biết mã số 276 có bao nhiêu đứa con, nhưng Cryobank đảm bảo là ngày nay sẽ không có một vụ kiện nào cả.

Theo SGTT