Đái tháo đường khi thai nghén

Đái tháo đường khi thai nghén

Đó là sự rối loạn điều hoà đường trong máu được phát hiện trong khi có thai, thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 6 của thai kỳ, do thai nghén.

Đó là sự rối loạn điều hoà đường trong máu được phát hiện trong khi có thai, thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 6 của thai kỳ, do thai nghén.

Biểu hiện của bệnh

Bên cạnh sự rối loại do thai nghén, cũng có một số sản phụ đã bị đái tháo đường từ trước khi có mang mà không biết.

Các rối loạn điều hoà đường trong máu xảy ra liên tục, khởi đầu bằng hiện tượng không dung nạp được hydrat cacbon mà người ta thường thấy ở các bệnh nhân đái tháo đường; ăn đường vào là khó chịu, trướng bụng và có thể bị nôn.

Dấu hiệu không dung nạp hydrat cacbon này càng thấy rõ nếu rối loạn điều hoà đường trong máu càng nặng.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn

Ở sản phụ, trong thời kỳ thai nghén có sự thay đổi hoạt động nội tiết: tăng tiết các hormon prolactin, cortison, progesteron, nhất là các hormon nhau thai lactogen. Các hormon này làm giảm tác dụng điều hoà đường trong máu của insulin.

Do vậy, ở sản phụ muốn duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường, insulin phải được tiết ra nhiều gấp 4 lần so với lúc trước khi mang thai. Nếu như lượng insulin tiết ra không đủ nhiều, sẽ có rối loạn điều hoà đường trong máu, tức là bị đái tháo đường thai nghén.

Các nguy cơ bị rối loạn

-Những sản phụ trước khi mang thai đã bị tăng đường trong máu hoặc đã bị đái tháo đường ở thời kỳ mang thai trước (nguy cơ cao).

-Trước đây đã có thai chết lưu trong tử cung hoặc thai bị dị dạng.

-Đã béo phì trước lúc có thai.

-Có người ruột thịt (bố mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường.

-Tuổi trên 25.

Dấu hiệu của bệnh

-Có đường trong nước tiểu.

-Tăng cân quá nhanh.

-Tăng huyết áp.

-Có nhiều nước ối hoặc thai to.

Tuy các dấu hiệu này không đặc trưng và thất thường nhưng nếu có phải theo dõi đường trong máu. Thực tế có tới gần 90% sản phụ có một trong các dấu hiệu trên, do vậy tất cả các sản phụ nên đi khám để phát hiện đái tháo đường thai nghén, nhất là những người có nguy cơ bị rối loạn này.

 Phát hiện bệnh như thế nào?

Các sản phụ có các nguy cơ trên nhất thiết phải đi khám sản khoa càng sớm càng tốt (trước tháng thứ 3 của thai kỳ) để phát hiện xem có bị đái tháo đường trước lúc có thai hay không. Phương pháp phát hiện đơn giản nhất là đo đường trong máu khi đói. Nếu giá trị lớn hơn 1,26g/l thì sản phụ đã bị đái tháo đường từ trước.

Nếu có giá trị giữa 0,95 và 1,26g/l thì nhiều khả năng bị rối loạn điều hoà đường trong máu, cần tiếp tục theo dõi cẩn thận (theo chỉ định của bác sĩ sản khoa). Nếu giá trị bình thường (dưới 0,95g/l) thì phải kiểm tra lại đường trong máu một lần nữa vào tháng thứ 6.

Những sản phụ không có các nguy cơ nói trên cũng cần phát hiện đái tháo đường thai nghén ở tháng thứ 6 của kỳ thai (giữa tuần thứ 24 và 28 sau khi mất kinh). Mục tiêu của xét nghiệm là phát hiện xem có rối loạn điều hoà đường trong máu do thai nghén gây ra hay không.

Sản phụ cần chú ý là nếu làm xét nghiệm đường trong máu quá sớm sẽ không chính xác (vì rối loạn điều hoà đường trong máu chưa biểu hiện rõ) còn nếu làm muộn quá sẽ không có cơ hội phòng chống kịp thời.

Nếu như ở 3 tháng cuối của thai kỳ thấy có xuất hiện một trong các dấu hiệu khiến nghĩ đến đái tháo đường thai nghén (như nêu ở trên) thì sản phụ cần làm lại ngay xét nghiệm đường trong máu một lần nữa.

Không phát hiện kịp sẽ tăng nguy cơ

Sản phụ có nguy cơ tăng huyết áp thai nghén, có thể kèm nhiễm độc thai nghén (với dấu hiệu nước tiểu có albumin, phù nề, tăng huyết áp), dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tăng nguy cơ bị các tai biến khi đẻ (như phải mổ tử cung để lấy thai ra, rách vùng đáy chậu, tổn thương cơ thắt hậu môn, bị các di chứng vì đẻ khó do thai to…).

Đối với thai nhi, nguy cơ chủ yếu là thai to (thường trên 4kg). Thai to làm tăng các tai biến xảy ra khi đẻ: chuyển dạ kéo dài, phải lấy thai ra bằng dụng cụ; thường đẻ khó do vướng vai, nên thai nhi thường bị gẫy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay.

Tổn thương cấp ở thai nhi (như ngạt trong giai đoạn chuyển dạ). Có thể bị tăng đường và sắc tố mật trong máu, giảm canxi trong máu, bị hội chứng suy hô hấp ở trẻ…

Sản phụ có nguy cơ tái phát đái tháo đường thai nghén ở các đợt mang thai tiếp theo (35 đến 50% các trường hợp), cũng có khả năng đái tháo đường thai nghén phát triển thành bệnh đái tháo đường; nguy cơ bị tăng đường trong máu nếu dùng thuốc tránh thai qua đường uống.

Con của sản phụ bị đái tháo đường thai nghén có nguy cơ bị béo phì ở tuổi nhi đồng hay thiếu niên, có thể dẫn tới bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Vì vậy, việc phát hiện đái tháo đường thai nghén là hết sức cần thiết để các bác sĩ có những phương án chữa trị, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Nguồn: (webtretho)