Những loại thuốc tránh thai thường gặp (kỳ 2)

Những loại thuốc tránh thai thường gặp (kỳ 2)

Sử dụng thuốc viên tránh thai phải uống đều đặn hàng ngày nên thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng quên uống ở một số chị em. Vì vậy có thể dùng phương pháp tiêm ngừa thai (1 tháng/1mũi hoặc 3 tháng/1 mũi). Thuốc được tiêm ở bắp mông hoặc cánh tay cũng cho tác dụng ngăn cản rụng trứng.

Sử dụng thuốc viên tránh thai phải uống đều đặn hàng ngày nên thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng quên uống ở một số chị em. Vì vậy có thể dùng phương pháp tiêm ngừa thai (1 tháng/1mũi hoặc 3 tháng/1 mũi). Thuốc được tiêm ở bắp mông hoặc cánh tay cũng cho tác dụng ngăn cản rụng trứng.

Một liều tiêm có tác dụng tránh thai trong 30-90 ngày. Phương pháp này có hiệu quả cao và không lệ thuộc vào việc áp dụng của người sử dụng. Chỉ có dưới một trường hợp có thai trong một năm ở 100 người sử dụng phương pháp này.

Giống thuốc ngừa thai dạng uống, thuốc ngừa thai dạng tiêm cũng có hai loại:

1. Chỉ chứa progesterone: được tiêm 3 tháng/lần.

Thuốc này có nhiều tiện ích, ngoài tác dụng tránh thai, WHO công bố nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tác dụng giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với viên uống tránh thai kết hợp. Đối với những phụ nữ thiếu máu thiếu sắt, cường kinh, thống kinh nặng, đây là một chỉ định thích hợp nhờ hiệu quả vô kinh của nó. Sử dụng thuốc cũng làm giảm nguy cơ viêm vùng chậu, giảm lên cơn động kinh ở những phụ nữ có tiền căn động kinh.

Tuy nhiên, thuốc này có nhiều tác dụng phụ, chủ yếu là rối loạn kinh nguyệt cũng như chậm có con trở lại sau khi ngưng thuốc. Rối loạn kinh nguyệt thường gặp là rong huyết kéo dài, hay xảy ra trong vài tháng đầu tiên và giảm dần theo thời gian sử dụng. Trong cuộc họp của WHO tổ chức năm 1991, người ta nêu lý do chính làm phụ nữ không thích áp dụng biện pháp tránh thai này vì nhược điểm gây rối loạn kinh nguyệt nặng nề (50% phụ nữ sử dụng bị vô kinh). Đây là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của thuốc tiêm tránh thai kết hợp dùng hàng tháng.

2. Thuốc tiêm tránh thai dạng kết hợp: được tiêm mỗi 27 - 33 ngày, có hai loại:

Loại 1: 25mg Medroxy Pregesterone acetate và 5mg estradiol cypionate (Cyclofeme®, Cycloprovera®).

Loại 2: 50mg norethisterone – enanthate và 5mg estradiol valerate (Mesigyne®).

Ngoài ra, người ta còn dùng que cấy tránh thai: là những que nhỏ chứa progesterone, được bác sĩ cấy dưới da, thường ở vị trí mặt trong cánh tay. Những que này phóng thích một lượng progesterone liên tục, gây ức chế rụng trứng, thay đổi nội mạc tử cung, làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung khiến cho tinh trùng không vào cổ tử cung được.

Que cấy có tác dụng tránh thai trong 3-5 năm. Chi phí của một liều cấy tránh thai khoảng vài trăm USD, nhưng tính ra trung bình vẫn thấp hơn việc sử dụng một vỉ ngừa thai hàng tháng trong cùng một thời gian tương tự. Đây là một phương pháp có hiệu quả rất cao.

Thế nhưng, nhược điểm chính của que cấy tránh thai cũng gây rối loạn kinh nguyệt. 80% người sử dụng có rối loạn kinh nguyệt kéo dài trong năm đầu tiên với nhiều hình thức khác nhau, thường gặp nhất là rong kinh, rong huyết hoặc xuất huyết dạng điểm. Kinh ít và vô kinh ít gặp hơn, chiếm tỷ lệ 10%. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến người sử dụng yêu cầu rút que cấy trước thời hạn, ngoài ra nhức đầu cũng thường gặp.