Tâm lý trẻ từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi

Tâm lý trẻ từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi

Từ đời sống thực vật trong bụng mẹ, một môi trường tương đối ổn định, đứa trẻ như đột ngột bị đẩy vào một môi trường mới với rất nhiều kích thích từ thế giới bên ngoài, sau khi sinh.

Em bé sống tương trong môi trường mới được đảm bảo nhờ có những cơ chế di truyền có sẵn: hệ thống thần kinh đã sẵn sàng, hệ thống cơ bản của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá bắt đầu khởi động. Nhờ đó ngay khi vừa sinh ra, bé đã có những phản xạ tự vệ như co người lại khi bị chạm vào da, nheo mắt lại khi có ánh sáng loé lên trước mặt.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc sống, những phản xạ không điều khiển giúp trẻ thích ứng với hoàn cảnh sống mới, dần dần trẻ sẽ từng bước tiếp nhận kinh nghiệm và hành vi đặc biệt của con người.

Phần lớn trẻ sơ sinh vào tháng thứ hai đã bắt đầu chú ý đến mặt người. Dù đói hay no, trẻ cũng chỉ phản ứng với mặt người, còn các đồ vật khác trẻ không có phản ứng gì. Khi bú mẹ thì mắt nhìn vào mặt mẹ cho đến hết bú thì thiu thiu ngủ. Trong lúc mẹ vuốt ve tắm rửa cũng vậy.

Đặc điểm quan trọng của trẻ sơ sinh là thính giác và thị giác phát triển nhanh hơn các cử động của cơ thể. Sau một vài tháng, trẻ đã phân biệt được các âm thanh và mùi vị khác nhau. Tiếng nói chuyện bình thường, hoặc tiếng hát khe khẽ cũng là cho trẻ chú ý. Trẻ có thể nín khóc và lắng nghe âm thanh dịu dàng của lời ru, giọng hát của người lớn. Tiếng động mạnh hoặc ngữ điệu gay gắt của giọng nói cũng có thể làm trẻ sợ hãi, la khóc.


Ngay từ khi lọt lòng, bé đã có những nhu cầu gắn bó với người khác, đặc biệt là với mẹ. Bé luôn muốn được ôm ấp, vỗ về. Phản xạ rúc đầu vào bụng, vào ngực mẹ, một mặt là tìm vú để bú, nhưng mặt khác là muốn áp sát vào da thịt mẹ để được ôm ấp vỗ về. Có thể nói quan hệ với người mẹ qua xúc giác là quan trọng vào bậc nhất và cũng xuất hiện sớm nhất. Hiện tượng đó gọi là sự gắn bó mẹ con. Bởi ngay từ khi mới sinh, cái mà trẻ nhận ra đầu tiên chính là mẹ mình. Trước khi nhận ra đồ vật xung quanh thì hình ảnh của mẹ đã in vào đầu non nớt của bé, làm cho nó gắn bó một cách hết sức tự nhiên với hình ảnh ẩy. Mặt mẹ, giọng nói của mẹ, mùi da thịt của mẹ… tất cả những thứ đó tạo ra cho bé một cảm giác an toàn, dễ chịu, mà cuộc sống của trẻ không thể thiếu những điều đó đựoc. Đây là mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển sau này của trẻ. Chính vì vậy sau khi sinh nở, cả người mẹ lẫn đứa con đều rất nhạy cảm với sự tiếp xúc, gần gũi về da thịt và đều có nhu cầu gắn bó với nhau.

Trong mối quan hệ gắn bó mẹ - con, ở cả hai phía, mẹ - con đều phát tín hiệu cho nhau. Tín hiệu của mẹ được biểu hiện ở những cử chỉ, động tác, nét mặt, giọng nói… hướng về đứa con nhằm gợi cho nó phản ứng đáp lại, ở đứa con, tuy chưa có những hành động, cử chỉ hướng về mẹ một cách chủ định, nhưng ở trẻ cũng đã có thể phát ra những tín hiệu khiến cho người xung quanh chú ý đến mình như la khóc, vặn mình, cọ quậy chân tay… Nhờ đó mà mẹ nhận ra và đáp ứng được nhu cầu của bé như cho bú, thay tã lót, ôm ấp, vỗ về tạo ra sự gắn bó với trẻ.

Tạo ra mối quan hệ gắn bó mẹ - con ngay trong những ngày đầu trẻ mới ra đời là một cách phòng ngừa tốt nhất, tránh cho trẻ nguy cơ chậm phát triển hoặc phát triển lệch lạc về sinh lý cũng như tâm lý sau này. Một kết luận hết sức quan trọng của tâm lý học hiện đại là nhiều rối loạn tâm lý về sau, kể cả lúc đã trưởng thành có nguyên nhân từ những nhiễu loạn trong mối quan hệ gắn bó mẹ - con ở những tháng năm đầu cuộc đời. Những em bé thiếu sự gắn bó yêu thương của ngưòi mẹ ngay từ tấm bé thường luôn sống trong tâm trạng cô đơn, lo lắng và sợ hãi, sau này lớn lên thưòng mang mặc cảm trong quan hệ với người xung quanh, thầm chí còn có thái độ chống đối, thù địch.


Nhu cầu gắn bó mẹ - con còn là cơ sở nảy sinh nhu cầu giao tiếp giữa bé với những người xung quanh. Đến khoảng tháng thứ 2 em bé đã biết mỉm cười, tỏ ra vui mừng khi có ai đó đến với bé, buồn bã khi người đó đi mất, rồi lại tìm chơi với người khác. Cứ như vậy quan hệ giao tiếp giữa bé với những người xung quanh được nảy sinh. Ngày lại ngày, ở trẻ hình thành nên những phản ứng vận động cảm xúc đặc biệt hướng tới người lớn. Thể hiện ở chỗ đứa trẻ thích nhìn chằm chặp vào mặt người lớn, miệng cười toe toét, chân tay khua rối rít, đôi khi phát ra những âm nhỏ “gừ gừ”… khi người lớn cúi xuống nói chuyện với bé. Đây cũng là khi kết thúc thời kỳ sơ sinh để bước sang thời kỳ mới: Tuổi hài nhi.