Trẻ có thể trầm cảm từ 3 tháng tuổi

Trẻ có thể trầm cảm từ 3 tháng tuổi

Trẻ dưới 1 tuổi, nếu phải sống xa mẹ quá 3 tháng thường mắc một thể rối loạn tâm thần gọi là “trầm cảm vắng mẹ”, biểu hiện đầu tiên là chán ăn, nôn ói.

 Chán ăn, nôn mửa – biểu hiện của trầm cảm

Những ai có con nhỏ hay phải “ra vào” khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), chắc chắn sẽ có lần gặp một bệnh nhân đặc biệt. Đặc biệt bởi từ khi 3  tháng tuổi đến nay đã gần 3 tuổi, hầu như tháng nào bé N cũng đều đặn nằm viện khoảng 2 tuần (chủ yếu là truyền nước và đạm). Người nhà cho biết N cứ ăn vào là nôn, dần dần bé sợ thức ăn và rơi vào tình trạng suy kiệt. Bé N đã 2 lần được gia đình cho ra nước ngoài chữa trị, do nghi ngờ bộ máy tiêu hoá của cháu trục trặc, nhưng cả hai lần các bác sĩ đều kết luận cơ thể cháu bình thường, phải điều trị về tâm lý. Tuy nhiên, đã điều trị thời gian dài, qua nhiều bệnh viện khác nhau nhưng bệnh trầm cảm của cháu không có biểu hiện giảm.

Tìm hiểu được biết bé N sinh ra trong một gia đình khá giả, bố là giám đốc doanh nghiệp, mẹ làm kinh doanh, luôn bận rộn. Từ 3 tháng tuổi, N tiếp xúc với người giúp việc là chính. Ngoài 2 lần sang Singapore chữa bệnh, N được đi cùng bố, còn hầu hết các lần nhập viện khác bé đều đi cùng… người giúp việc gia đình. Theo người giúp việc nhà bé N, bé thích vào viện hơn ở nhà. Những đứa trẻ khác khi bị lấy ven tiêm, truyền đều rất sợ nhưng riêng N mỗi lần thấy các bác sĩ, bé đều mỉm cười như gặp người thân, khác hẳn thái độ thờ ơ khi tiếp xúc với bố mẹ.

Những trường hợp bất thường về thể chất và tâm lý do trẻ không được gần gũi với cha mẹ ngay từ nhỏ như bé N không phải là ít. Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ chán ăn, nôn mửa, suy kiệt, nhưng khi kiểm tra toàn diện thì không phát hiện bất cứ sai lệch gì về mặt cơ học. Trường hợp nhỏ tuổi nhất ghi nhận là bé T.V.H, 3 tháng tuổi ở quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh). Mới đây nhất, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng tiếp nhận một bệnh nhân tên M.V, 12 tuổi nhưng tổng cộng thời gian em nằm bệnh viện điều trị chứng nôn mửa, chán ăn là… 5 năm. Tìm hiểu được biết từ 2 tuổi, cha mẹ em đã ly dị nhau, em sống ở bên nội vài tháng rồi lại chuyển qua bên ngoại và bị trầm cảm từ đó. Điều nguy hiểm là nhiều người chăm sóc trẻ không hề biết đây là căn bệnh tâm lý do môi trường gia đình gây ra.

Hội chứng “trầm cảm vắng mẹ”

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, những em bé kể trên đã mắc một rối loạn tâm thần gọi là “trầm cảm vắng mẹ”, xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi (nhưng đã bị bỏ rơi quá 3 tháng). Biểu hiện thường gặp nhất là trẻ chán ăn, nôn ói, hay khóc đêm, giật mình, dễ bị nhiễm khuẩn. Với trẻ từ 3 - 5 tuổi, thường có những dấu hiệu tự nhiên ngưng nói, lờ đờ chậm chạp, tự cô lập. Khi lên 6 - 10 tuổi, trẻ gặp khó khăn trong học tập do trí nhớ kém, hay gặp ác mộng, mộng du. Lớn hơn chút nữa, trẻ có biểu hiện say mê trò chơi vi tính, ghiền Chat, thích kết bạn trong thế giới ảo, bỏ học, trầm cảm, dọa tự tử.

Nhiều bậc cha mẹ suy nghĩ đơn giản rằng trẻ nhũ nhi thì không biết gì, thực ra ngay từ khi mới sinh trẻ đã cảm nhận rất rõ môi trường sống xung quanh. Theo khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ bị trầm cảm nhiều nhất là trẻ mồ côi, tiếp đến là trẻ trong các gia đình có bố mẹ chia tay, bố mẹ thường xuyên vắng nhà. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ - con trong năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Đừng tiếc một vòng tay ôm chặt, ánh mắt âu yếm, những lời ru… để rồi phải trả giá bằng chính cuộc sống không lành lặn của những đứa con thân yêu.

Những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em

- Chán ăn, nôn mửa

- Tự cô lập, thiếu tự tin

- Không hứng thú với các thành viên trong gia đình.

- Không muốn đi học

- Đau bụng hoặc nhức đầu kéo dài

- Thường xuyên tức giận và mất bình tĩnh.