Những đặc thù cần biết ở tuổi dậy thì

Những đặc thù cần biết ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì ở con gái rất sớm hơn con trai khoảng 2 năm, trước đây thường bắt đầu từ tuổi 13 nhưng cơ thể bắt đầu thay đổi từ 8- 9 tuổi.

 Cơ chế phát động tuổi dậy thì cũng giống như con trai nhưng ở con gái phần lớn những thay đổi diễn ra trong tuổi dậy thì là do các hormone sinh dục estrogen (do buồng trứng bài tiết) và progesterone (do thể vàng bài tiết) chi phối.
 
Sự xuất hiện các đặc tính giới thứ phát theo thứ tự: Vú to lên là dấu hiệu sớm nhất, bắt đầu 9 -13 tuổi, tốc độ và mức độ to lên khác nhau tuỳ từng em. Tiếp theo là lông mu mọc, cơ thể nở nang, sau đó mới là sự ra kinh lần đầu và mọc lông nách. Hành kinh là dấu hiệu bộ máy sinh sản đã sẵn sàng hoạt động.
 
Ngày nay, tuổi dậy thì của các em gái có vẻ đến sớm hơn (tuổi bắt đầu có kinh trước đây là 13) do đời sống vật chất và văn hoá của xã hội đã cao hơn trước đậy. Các yếu tố di truyền, sức khoẻ, khối lượng và tỷ lệ mỡ của cơ thể có ảnh hưởng đến thời gian xuất hiện kỳ kinh đầu.
 
Những chu kỳ kinh đầu thường không đều, dao động từ 21 đến 45 ngày, hành kinh kéo dài từ 3 - 8 ngày và lượng máu ra là 30 -120ml. Trong năm đầu có 45% chu kỳ có rụng trứng, vì thế vẫn có nguy cơ có thai ngay lần đầu giao hợp. 20% trường hợp thai nghén ở tuổi vị thành niên đã xảy ra trong tháng đầu khi có quan hệ tình dục và 50% đã xảy ra trong 6 tháng đầu.
 
Ở nhiều cộng đồng, trẻ em được công nhận là người trưởng thành sau khi trải qua một nghi thức ở tuổi dậy thì. Những nghi thức đó có thể là những bài học hoặc những thử thách đặc biệt dành cho nam nữ thanh niên, sau đó họ mới được coi là có đủ tư cách để lấy vợ lấy chồng (một số nước phương Tây, mừng tuổi trưởng thành cho các thiếu nữ là lễ cấp bằng lái xe).
 
Ở nước ta, hầu như không thực hành nghi thức gì để công nhận bước vào tuổi sinh sản, nhưng nhìn chung xưa kia các bậc cha mẹ lo gả chồng cho các cô gái trẻ ngay sau tuổi dậy thì và tập quán thường thấy ở nhiều cộng đồng, kể cả người kinh và dân tộc ít người là người mẹ hoặc một người có uy tín nào đó trong họ dạy cho con gái sắp đi ở riêng một số kiến thức về “chuyện chăn gối vợ chồng”.
 

Dậy thì chậm, vì sao?

Trứng cá: trước khi hiện tượng vú to lên và mọc lông ở mu khoảng hơn 1 năm thì đã có sự tăng nồng độ hormon androgen nên thành phần axit béo của mồ hôi thay đổi khiến cho cơ thể có mùi của người trưởng thành.

Một tác dụng nữa của androgen là tăng bài tiết chất nhờn của da và có nhiều mụn trứng cá. Một số em gái có trứng cá nổi lên vào vài ngày trước khi hành kinh. Đó là trứng cá tiền kinh nguyệt.

Có thể dùng một số loại thuốc viên tránh thai có tác dụng ngăn cản sự bài tiết androgen - loại hormon có ảnh hưởng đến sự bài tiết của tuyến nhờn.

Những trẻ phát triển chậm về giới tính và thể chất thường được xem là dậy thì chậm. Ở con gái, sự phát triển chậm về giới tính căn cứ vào dấu hiệu khi vú không to lên khi đã 14 tuổi hoặc kể từ khi vú bắt đầu to ra đến khi có kinh lần đầu kéo dài quá 5 năm.
 
Những em có dấu hiệu dậy thì chậm được phân chia thành 3 loại dựa trên sự đánh giá sơ khởi về mặt lâm sàng: 1. có vẻ như bình thường; 2. có dấu hiệu bất thường về nhiễm sắc thể; 3. có vẻ như có bệnh mạn tính. Sau đó làm thêm một số thăm dò, nếu nghi ngờ có bệnh mạn tính thì các xét nghiệm chung theo thông lệ có thể cung cấp nhiều thông tin quan trọng.
 
Xét nghiệm nồng độ TSH (Hormone kích thích tuyến giáp), T4 (Hormone của tuyến giáp), FSH (Hormone của tuyến yên kích thích nang noãn), LH (Hormone của thuỳ trước tuyến yên kích thích nang noãn phóng noãn và vỏ nang còn lại trở thành thể vàng) và prolactin trong huyết thanh khi nghi ngờ có bất thường về hormone và làm test kích thích với GnRH sẽ mang lại lợi ích cho chẩn đoán.
  
Phương pháp MRI (hình ảnh âm vang từ) để đánh giá não và tuyến yên được chỉ định khi nghi ngờ có bất thường về trục đồi thị – tuyến yên. Vì không phải vị thành niên nào cũng có những đặc điểm lâm sàng điển hình cho nên cần phân tích về thể nhiễm sắc, nhất là đối với những em gái có tầm vóc thấp kèm dậy thì chậm.

 Nhiều vấn đề về thể chất và sinh thái liên quan đến những rối loạn tuổi dậy thì có thể chữa trị có kết qủa. Các em cần được các thầy thuốc có hiểu biết và có kinh nghiệm chăm sóc. Liệu pháp tâm lý đóng vai tró quan trọng nhằm giúp các em phát triển lành mạnh về thể chất và tâm lý.
  
Dậy thì sớm, vì sao?

Với các em gái khi những dấu hiệu của tuổi dậy thì như lông mu, ngực phát triển to ra xuất hiện sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi. Nguyên nhân của việc dậy thì sớm con chưa rõ đối với đa số trường hợp, đôi khi do tuyến yên kích thích sớm và mạnh đến buồng trứng làm cho các hormone giới nữ bài tiết sớm hơn bình thường.
  
Trong nhiều trường hợp khác, các dấu hiệu dậy thì có sớm vì có bất thường ở buồng trứng hoặc tuyến thượng thận. Nhiều khi phải làm xét nghiệm mới xác định được nguyên nhân gây ra dậy thì sớm là ở não hay ở những cơ quan nói trên trong cơ thể.

  Nếu như thầy thuốc xét thấy phải điều trị trạng thái dậy thì sớm thì cho các em dùng loại thuốc đồng đẳng của GnRH để ngừng hãm tạm thời các biểu hiện dậy thì và để giảm tốc độ trưởng thành của xương. Xương trưởng thành nhanh có thể làm cho chiều cao của các em không đạt được như tiềm năng. Trong vài tháng điều trị, sự tăng trưởng nhanh có thể chậm lại và giai đoạn dậy thì sẽ diễn ra như bình thường hoặc có thể chậm đi.

 Nhiều em còn quá non nớt để thích ứng với những thay đổi về mặt tâm lý do những biểu hiện của dậy thì sớm cho nên khi điều trị để hãm lại các em sẽ cảm thấy hoà hợp với bạn bè hơn. Việc điều trị cần do thầy thuốc chuyên khoa nội tiết quyết định và theo dõi để điều chỉnh liều lượng thuốc cho đến khi diễn ra tuổi dậy thì bình thường. Khi ngừng điều trị thì cũng là lúc giai đoạn dậy thì bắt đầu và diễn ra bình thường.
 
Cần theo dõi chiều cao của các em để đánh giá tốc độ phát triển, nếu việc điều trị có kết quả thì tốc độ tăng trưởng của các em sẽ giảm đi. Mối quan hệ giữa tuổi xương và tuổi năm tháng cũng quan trọng vì sự trưởng thành quá sớm của xương làm hạn chế thời gian để tăng trưởng. Nếu phát hiện sớm tất có cơ may nhiều hơn để đạt được tầm vóc mong muốn khi trưởng thành.
 

Những đặc thù về kinh nguyệt và bệnh lý chính ở tuổi dậy thì nữ

- Ra kinh lần đầu trong đời có gì đặc biệt? Theo kinh nghiệm dân gian, tuổi có kinh lần đầu là 13 tuổi và cũng là tuổi có thể sinh đẻ, vì thế có câu ca dao: “Lấy chồng từ tuổi 13, đến năm 18 thiếp đà năm con…”, nghĩa là có thể có con ngay trong năm đầu kết hôn và lẽ dĩ nhiên phải đã có kinh. Tuy nhiên, ngày nay tuổi có kinh có vẻ sớm hơn, ví dụ như ở Mỹ, tuổi trung bình của kinh nguyệt lần đầu là 12,8 tuổi và vẫn giữ nguyên trong 40 năm qua.
 
- Hội chứng tiền kinh nguyệt: Là sự phối hợp những triệu chứng tâm lý và thể chất nặng trong 4 ngày trước khi có kinh và 4 ngày đầu của kỳ kinh: tăng cân, mắt húp, xưng vú, phù nề, táo bón, nhức đầu, lo lắng, mệt mỏi, trầm cảm, không thể tập trung tư tưởng… Mức độ nặng nhẹ khác nhau trong mỗi chu kỳ kinh. Nguyên nhân của hội chứng này chưa được biết rõ, có lẽ có liên quan đến các hormone sinh dục.
  
- Vô kinh: Có hai thể vô kinh. Vô kinh nguyên phát có phát triển những đặc tính giới thứ phát nhưng tới 16 tuổi vẫn không có kinh lần đầu; cần xem có phải đã bị vô kinh nguyên phát (có thể do cơ quan sinh dục nữ dị dạng hoặc kém phát triển, rối loạn hoạt động của các tuyến nội tiết, do sức khoẻ kém và do các yếu tố tâm lý).

Vô kinh thứ phát là sự mất kinh (khoảng 4 - 6 tháng) sau khi đã có kinh rồi. Nguyên nhân liên quan đến tâm lý, căng thẳng thể lực (luyện tập thể thao quá mức…), rối loạn tiêu hoá…

 - Hội chứng buồng trứng đa nang (Stein - Leventhal): trong hội chứng này, vỏ buồng trứng dày và có nang, kích dục tố tuyến yên LH cao có thể đã kích thích buồng trứng sản xuất estrogen và tạo ra những thay đổi mô học và gây vô kinh. Có thể tạo ra kinh nguyệt giả để các em gái vị thành niên thấy mình giống như các bạn cùng tuổi khác.
  
- Rong kinh rong huyết tuổi dậy thì: Rong kinh là chảy máu kéo dài từ vùng tử cung, lượng nhiều và có chu kỳ, tức là hành kinh kéo dài quá 7 ngày; Còn rong huyết là máu ra qua đường âm đạo có thể từ buồng tử cung nhưng cũng có thể ngoài buồng tử cung (âm đạo, cổ tử cung) không có chu kỳ, lượng có thể nhiều hay ít tuỳ từng trường hợp.

 Bài tiết hormone ở những kỳ kinh đầu tiên của tuổi dậy thì thường không đủ cao để gây ra một chu kỳ kinh trọn ven, chỉ đến khi nồng độ estradiol vượt quá 50 pg/ml, nội mạc tử cung mới tăng sinh đầy đủ để khi estradiol tụt xuống thì gây chảy máu.
 
Ngoài ra, nồng độ thấp estradiol làm cho kích dục tố LH không đạt được đến đỉnh điểm cho nên không làm rụng trứng, không có thể vàng và do đó không đủ progesterone để làm cho nội mạc tử cung trưởng thành hoàn toàn cho nên đã dẫn đến hiện tượng lớp niêm mạc bong không đầy đủ, không đều và đó chính là nguyên nhân gây ra chảy máu nhiều và kéo dài (thường gọi là rong kinh rong huyết).
 
- Hành kinh đau: Có thể đau quặn từng cơn, chướng bụng dưới, nặng nề ở vùng tiểu khung kèm theo nhức đầu, đau lưng, buồn nôn, dữ dội nhất là vào những năm cuối của tuổi vị thành niên. Hành kinh là nguyên chính làm cho các em gái phải nghỉ học nhiều ngày hàng tháng.
 
Nguyên nhân chưa rõ lắm nhưng có liên quan đến các trạng thái như: viêm nhiễm, táo bón, chấn động tâm lý, mất thăng bằng về hormone và sự tăng cao nồng độ prostaglandin (gây co thắt tử cung, ức chế sự cung cấp oxy cho tử cung và làm tăng độ nhạy cảm thần kinh). Những chất chống viêm không có nhân steroid như Ibuprofen hoặc thuốc tránh thai uống thường được chỉ định.
 
- Mọc lông nhiều ở những vị trí bình thường không có lông là phiền muộn thường gặp của các vị thành niên gái vì ở tuổi này các em rất quan tâm đến hình ảnh bản thân. Mọc lông nhiều hầu như luôn là hậu quả của sự bài tiết quá mức androgen (hormone nam).
 
Nguồn gốc gây tăng androgen có thể là buồng trứng, tuyến thượng thận hoặc cả hai, với nhiều biểu hiện bệnh phức tạp. Thầy thuốc sẽ xác định các nguyên nhân, phụ nữ nào có nồng độ androgen hơi cao thì cũng mọc lông nhiều, dài và đen hơn ở cẳng chân hay ở môi trên cho nên trông như có ria.
 
Có thể liên quan đến những yếu tố di truyền, hay xảy ra trong những kỳ kinh đầu tiên và rõ rệt dần. Những phụ nữ bị mọc lông kiểu đó vẫn có chu kỳ kinh nguyệt và hai buồng trứng bình thường, không nguy hiểm và chỉ có vấn đề thẩm mỹ.
 
- U xơ vú: Gồm cấu trúc xơ và mô tuyến, thường không đau và có thể tự nhận biết, có cảm giác không nhẵn và có thễ dễ dàng di chuyển. Loại u xơ này thường gặp nhất ở tuổi 19 - 20. Dù không ung thư hoá nhưng có thể to lên khi có thai và cho bú, nhiều thầy thuốc khuyên nên mổ để biết chắc là u lành.
 
- Nang buồng trứng cơ năng: Thường là những nang nhỏ, không có hại, có thể ở một hay ở cả hai buồng trứng. Những nang này hay gặp ở độ tuổi từ dậy thì khi hai buồng trứng phóng ra nhiều trứng trưởng thành. Thuật ngữ “cơ năng” có nghĩa rằng nang đó không do các bệnh nào gây ra cả và có thể tự tiêu tan đi (thu nhỏ lại và biến mất) trong vài ba tuần.
 
- Rối loạn về ăn uống: Cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng khi một số em gái ăn kiêng để gầy. Ăn uống hợp lý và đủ là cần thiết để có chu kỳ kinh đều và có nồng độ estrogen bình thường. Nếu các em gái bị sút cân thì rất dễ bị mất kinh tạm thời.

Theo Thế Giới Mới