Tại sao trẻ nhũ nhi hay bị rối loạn tiêu hóa

Tại sao trẻ nhũ nhi hay bị rối loạn tiêu hóa

Từ trong bụng mẹ, thai nhi hình thành và phát triển nhờ 100% từ nguồn dinh dưỡng của mẹ trực tiếp truyền sang, không thông qua hệ tiêu hóa của thai nhi.

  Cất tiếng khóc chào đời, bé bắt đầu thế giới mới- tiếp xúc và thích nghi dần với thế giới tự nhiên. Bước ngoặc thay đổi lớn nhất của bé, từ chỗ được nuôi dưỡng hoàn toàn từ mẹ chuyển sang tiêu hóa chủ động, bắt đầu tiêu hóa thức ăn thành dinh dưỡng và hấp thu bằng chính hệ tiêu hóa của mình. Quá trình khởi đầu này bé có ngay nhờ những phản xạ không điều kiện, đồng thời cũng học được những phản xạ có điều kiện: bé biết “ăn” (đòi bú), tuyến nước bọt, dịch vị và các tuyến hoạt động từ ruột như tuyến tụy tiết ra enzyme biến dưỡng “ sữa”, và biết hài lòng với những âu yếm từ mẹ,…

  Hệ tiêu hóa của bé giai đoạn này rất mỏng manh, mọi sự điều là khởi đầu như: bài tiết ezyme tiêu hóa; hình thành hệ miễn dịch từ thành ruột; tạo lập hệ vi khuẩn cộng sinh đường ruột ( bao gồm vi khuẩn có lợi và có hại) và các hoạt động lưu chuyển thức ăn, bài xuất chất căn bã. Các chức năng này liên quan chặt chẽ và tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Nguồn dinh dưỡng cho kiến tạo cơ thể cũng như cung cấp năng lượng nên nhờ chủ yếu vào sữa mẹ, có thể thay thế bằng sữa chế biến tuy nhiên về mặt cung cấp dinh dưỡng và lượng kháng thể ban đầu cho bé không thể nào hoàn hảo như sữa mẹ.

  Việc chuyển từ sống trong môi trường vô khuẩn tuyệt đối sang tiếp xúc với môi trường với vô vàn vi khuẩn là quá trình tự nhiên, về cơ bản là bé có cơ chế thích nghi để phù hợp sự thay đổi này. Sự loại trừ vi khuẩn hoàn toàn là không thể và cũng không nên vì nhờ đó mà bé mới hình thành được hệ “Vi Sinh Vật Đường Ruột”. Nhờ hệ vi sinh vật đường ruột này mà các chức năng tiêu hóa được diễn ra tự nhiên: thúc đẩy các quá trình lên men, kích thích sự tiết ra các ezyme, như tiết ra lactase phân giải lactose trong sữa, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa và tạo ra các chất có tính kháng bệnh, cung cấp và tạo ra một lượng kháng thể chủ yếu cho cơ thể (75-80% kháng thể được tạo ra từ thành ruột), bảo đảm sự lưu chuyển và bài xuất bình thường của hệ tiêu hóa … Với bé, việc khả năng miễn dịch bắt đầu hình thành, acid bao tử cũng như các chức năng khác chưa đạt được như trẻ lớn hay người trưởng thành nên dễ dàng nhiễm khuẩn hơn đã giải thích tại sao bé dễ dàng bị rối loạn tiêu hóa (những nghiên cứu cho thấy hệ vi khuẩn trẻ sơ sinh có thành phần vi khuẩn gây hại biến động nhiều nhất).

  Bé được tiếp xúc môi trường tốt, vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế hơn so với vi khuẩn gây hại thì sẽ có được đường ruột tốt và có được sức khỏe, khả năng kháng bệnh cao. Ngược lại, khi bé phải tiếp xúc với nguồn vi khuẩn gây hại nhiều thì bé có hệ vi sinh vật đường ruột không tốt, thường xuyên mất cân bằng gây ra rối loạn tiêu hóa làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, hấp thu của bé. Đồng thời, hệ miễn dịch của bé bị suy yếu dễ nhiễm nhiều bệnh khác cũng như chậm phát triển, chán ăn và suy dinh dưỡng. Hãy thấu hiểu và biết nâng niu chăm sóc đường ruột bé để có bước khởi đầu tốt tạo nền tảng cho tương lai
(Báo Khoa học & Đời sống số ra ngày 13/06/2009)