Giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Trẻ ngủ nhiều cả ngày lẫn đêm, chỉ thức trong những cữ bú mỗi vài giờ/lần. Quả là khó khăn cho những bậc cha mẹ mới để biết con họ cần ngủ bao lâu và ngủ thường xuyên ra sao. Rủi ro thay, không có thời gian biểu nào áp dụng cho tất cả trẻ trong việc ngủ vào ban ngày hoặc đêm, vì điều không rõ ràng ở nhiều trẻ.

 1. Trẻ ngủ như thế nào?
Trẻ ngủ nhiều cả ngày lẫn đêm, chỉ thức trong những cữ bú mỗi vài giờ/lần. Quả là khó khăn cho những bậc cha mẹ mới để biết con họ cần ngủ bao lâu và ngủ thường xuyên ra sao. Rủi ro thay, không có thời gian biểu nào áp dụng cho tất cả trẻ trong việc ngủ vào ban ngày hoặc đêm, vì điều không rõ ràng ở nhiều trẻ.
Nhìn chung, trẻ sơ sinh ngủ khoảng 8 đến 9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm. Đa số trẻ không bắt đầu ngủ suốt đêm (6 đến 8 giờ) mà không thức giấc cho tới lúc được 3 tháng tuổi hoặc cho tới khi chúng cân nặng 5,4 đến 5,9kg.
Trẻ sơ sinh có dạ dày nhỏ và cần phải thức giấc mỗi vài giờ một lần để bú. Trong đa số trường hợp, trẻ sẽ thức và sẵn sàng bú mỗi 3-4 giờ/lần. Bạn không cần phải đánh thức con để cho bú trừ khi bác sĩ nhi khoa khuyên bạn làm điều này. Tuy nhiên, không nên để trẻ ngủ lâu hơn 5 giờ/lần trong 5 – 6 tuần đầu trẻ mới chào đời. Vài trẻ sinh non cần bú thường xuyên hơn và phải được đánh thức để bú.
Bạn hãy quan sát những đổi thay trong cách ngủ của con bạn. Nếu bé ngủ ngon đều đặn rồi đột ngột thức giấc trong một này nào đó, có thể bé gặp rắc rối, thí dụ như bị nhiễm trùng tai. Vài sự xáo trộn giấc ngủ đơn giản là do những đổi thay trong quá trình bé phát triển hoặc do sự kích động quá mức.
Đừng bao giờ đặt trẻ lên giường với chai sữa ngậm trong miệng. Đây là một việc làm nguy hiểm vì có thể dẫn tới sự nhiễm trùng tai và trẻ bị nghẹt thở.

2. Quá trình ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh cũng giống như người lớn, chúng cũng có những giai đoạn ngủ khác nhau rồi ngủ sâu. Tùy theo giai đoạn, có thể trẻ sẽ chuyển động cơ thể tích cực hơn hoặc nằm rất yên. Cách ngủ của trẻ sơ sinh bắt đầu hình thành trong những tháng cuối của thai kỳ. Có hai loại giấc ngủ:
- Ngủ chuyển động mắt nhanh (REM):
Đây là giấc ngủ nhẹ khi những giấc mơ xuất hiện và đôi mắt chuyển động nhanh trước sau. Dù trẻ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng ½ khoảng thời gian này là ngủ chuyển động mắt nhanh. Những trẻ lớn và người trưởng thành thì ngủ ít giờ hơn và cũng có ít thời gian hơn trong việc ngủ chuyển động mắt nhanh.
- Ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non-REM):
Loại ngủ này có 4 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Ngủ mơ màng – đôi mắt hạ xuống, có thể mở và khép.
+ Giai đoạn 2: Ngủ nhẹ – trẻ cử động và có thể giật mình bởi tiếng động.
+ Giai đoạn 3: Ngủ sâu – Trẻ yên lặng, không cử động.
+ Giai đoạn 4: Ngủ rất sâu - Trẻ yên lặng, không cử động.
Trẻ bước vào giai đoạn 1 lúc bắt đầu chu kỳ ngủ rồi chuyển sang giai đoạn 2, 3, 4 rồi trở lại 3, 2 rồi đến ngủ chuyển động mắt nhanh. Những chu kỳ này có thể xuất hiện một số lần trong lúc ngủ. Trẻ có thể thức giấc khi chúng đi từ giấc ngủ sâu sang giấc ngủ nhẹ và có thể khó ngủ trở lại trong một vài tháng đầu chào đời.

3. Những giai đoạn cảnh giác khác nhau ở trẻ sơ sinh
Trẻ có sự khác biệt về sự cảnh giác trong lúc chúng thức giấc. Khi thức giấc ở cuối chu kỳ ngủ, trẻ có giai đoạn cảnh giác yên lặng một cách đặc thù. Đây là lúc trẻ rất yên tĩnh nhưng vẫn thức tỉnh và nhận biết môi trường. Trong thời gian cảnh giác yên lặng, trẻ có thể chú ý hoặc nhìn chằm chằm vào đồ vật và có phản ứng lại trước tiếng động lẫn sự chuyển động. Giai đoạn này thường chuyển sang giai đoạn cảnh giác tích cực khi trẻ chú ý đến âm thanh và hình ảnh. Sau giai đoạn này là giai đoạn khóc. Cơ thể trẻ cử động không vững vàng rồi trẻ có thể khóc lớn. Trẻ có thể dễ dàng bị kích động thái quá trong giai đoạn khóc. Tốt nhất bạn nên tìm cách để làm dịu con bạn. Việc ôm ấp con hoặc bọc con trong mền ấm (nhưng vẫn thoải mái) sẽ giúp con bạn bớt khóc.
Tốt nhất bạn nên cho con bú trước khi bé bắt đầu bước vào giai đoạn khóc. Trong giai đoạn khóc, trẻ có thể rất khó chịu, do đó có thể trẻ sẽ từ chối việc bú ngực hoặc bú bình. Ở trẻ sơ sinh, khóc là tín hiệu muộn màng của cơn đói.

4. Giúp con bạn ngủ
Trẻ không thể tự thiết lập kiểu ngủ và thức cho riêng chúng, đặc biệt là lúc đang chìm vào giấc ngủ. Bạn có thể giúp con bạn ngủ bằng việc nhận ra những dấu hiệu sẵn sàng ngủ, dạy trẻ chìm vào giấc ngủ và cung cấp môi trường thoải mái, an toàn để con bạn ngủ.

5. Những tín hiệu sẵn sàng ngủ
Con bạn có thể cho thấy những dấu hiệu sẵn sàng ngủ khi bạn thấy những dấu hiệu sau:
- Bé dụi mắt.
- Ngáp.
- Quay đầu đi.
- Làm ầm lên.

6. Cách giúp con bạn chìm vào giấc ngủ
Không phải trẻ nào cũng biết cách tự chìm vào giấc ngủ. Khi đến lúc lên giường, nhiều cha mẹ muốn đong đưa hoặc cho để giúp con họ ngủ. Việc thiết lập thói quen như thế lúc đến giờ lên giường là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, cần chắc rằng trẻ không chìm vào giấc ngủ trong vòng tay của bạn. điều này có thể trở thành một kiểu mẫu và trẻ có thể bắt đầu chờ đợi nằm trong vòng tay bạn để ngủ thiếp đi. Khi thức giấc giây lát trong chu kỳ ngủ, trẻ có thể không còn khả năng tự ngủ trở lại.
Đa số chuyên gia đề nghị là nên cho trẻ ngủ trong vòng tay của người mẹ rồi đặt trẻ vào giường trong lúc trẻ vẫn thức. Bằng cách này trẻ sẽ học được cách tự ngủ như thế nào.
Việc cho con bạn nghe nhạc êm dịu trong lúc bé sắp ngủ cũng là ý tưởng hay để tạo ra thói quen ngủ cho con bạn.

7. Tư thế ngủ nào tốt nhất cho trẻ sơ sinh?
- Hãy đặt con bạn nằm ngửa trên tấm nệm vừa vặn, vững chắc trong giường cũi (loại giường đạt tiêu chuẩn an toàn hiện nay).
- Lấy tất cả gối, mền bông, mền làm bằng da cừu, đồ chơi nhồi bông và những vận khác ra khỏi giường cũi.
- Hãy suy nghĩ kỹ việc sử dụng một loại giường ngủ thay thế cho những cái mền mà không cần vật che phủ khác.
- Nếu sử dụng một cái mền, hãy đặt con bạn vào giường cũi rồi nhét một cái mền mỏng quanh nệm giường, chỉ đắp mền cao đến ngực trẻ.
- Cần chắc là đầu con bạn không bị che phủ trong lúc ngủ.
- Không đặt con bạn vào một cái nệm nước, ghế sofa, nệm mềm, gối hoặc bề mặt mềm khác để bé ngủ.
Việc phân chia giường hoặc cùng ngủ chung với con có thể là điều mạo hiểm đối với trẻ trong những hoàn cảnh nào đó. Vì thế, bạn cần chú ý đến những điều sau:
- Vợ chồng bạn cần suy nghĩ kỹ về việc đặt giường cũi của con gần giường vợ chồng bạn để tiện cho bú và tiếp xúc với nhau.
- Nếu bạn cho con ngủ trong giường của bé, nên cho bé ngủ nằm ngửa, tránh những bề mặt mềm hoặc những vật chung quanh có thể phủ lên người con bạn. Không nên đặt giường của con bạn sát tường hoặc gần sát đồ vật khác trong nhà để tránh bé bị mắc kẹt trong chúng.
- Những người lớn khác, cha mẹ, trẻ con, anh chị em trong nhà không nên ngủ chung giường với trẻ còn ẵm ngửa.
- Nếu ngủ chung giường với con, vợ chồng bạn không nên hút thuốc hoặc sử dụng những chất như dược phẩm hoặc rượu bia, vì điều này có thể làm suy yếu khả năng thức tỉnh của con bạn.
Để ngăn ngừa sự nóng bức quá mức, bạn nên cho con mặc quần áo nhẹ khi ngủ và nhiệt độ phòng cần giữ ở mức thoải mái. Tránh bọc thân thể bé quá kín. Hãy kiểm tra da của con bạn để biết chắc là không nóng khi bạn chạm vào.
Nếu cho trẻ ngủ nằm ngửa, khi trẻ thức bạn có thể đặt trẻ trong tư thế khác, thí dụ như nằm sấp để giúp phát triển cơ bắp và mắt, giúp ngăn ngừa những vùng bị dẹp ở phía sau đầu.

Vương Trung Hiếu
(Nguồn: Chăm sóc trẻ sơ sinh - NXB Phụ Nữ, 2007)