Rối loạn ăn uống - Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên

Rối loạn ăn uống - Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên

Đây là một bệnh lý có tỉ lệ vào khoảng 1% dân số và khởi phát chủ yếu là ở lứa tuổi từ 14-16. Tuy nhiên cũng có trường hợp khởi phát sớm hơn, tỷ lệ gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai. Bệnh nếu không được điều trị và phát hiện sớm có thể gây những hậu quả nguy hiểm, đặc biệt là đối với lứa tuổi đang có sự phát triển về thể chất.

Đây là một bệnh lý có tỉ lệ vào khoảng 1% dân số và khởi phát chủ yếu là ở lứa tuổi từ 14-16. Tuy nhiên cũng có trường hợp khởi phát sớm hơn, tỷ lệ gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai. Bệnh nếu không được điều trị và phát hiện sớm có thể gây những hậu quả nguy hiểm, đặc biệt là đối với lứa tuổi đang có sự phát triển về thể chất.

Trẻ mắc chứng chán ăn tâm thần thường có những biểu hiện như sau:

- Trẻ có cân nặng dưới mức 85% trọng lượng bình thường.

- Trẻ thường xuyên lo lắng một cách quá mức về việc mình sẽ bị tăng cân mặc dù trẻ vẫn đang trong tình trạng tiếp tục giảm cân.

- Trẻ có những điều phiền muộn một cách quá mức về trọng lượng và hình dáng cơ thể mình như là sợ mình béo quá, mình sẽ xấu xí...

- Ở trẻ gái, nếu chưa có kinh nguyệt thì điều này sẽ làm chậm lại lần hành kinh đầu tiên hoặc ở những trẻ đang có kinh nguyệt thì sẽ có sự mất kinh do chế độ ăn uống không đủ chất.

- Trẻ đói nhưng không chịu ăn và hầu như không ăn gì, từ chối mọi loại thức ăn vì sợ béo bằng cách như ăn kiêng, ăn chay, nhịn đói hoặc tập luyện một cách quá mức.

- Chán ăn tâm thần là căn nguyên dẫn đến nhiều loại rối loạn về cơ thể và tâm thần khác.

Sau giai đoạn chán ăn tâm thần thường là một giai đoạn bệnh nhân ăn vô độ với những biểu hiện như:

- Trẻ thường có những cơn ăn uống vô độ, trẻ ăn rất nhanh, ăn một số lượng lớn thức ăn mặc dù không đói, trẻ ăn đến khi cảm thấy sự khó chịu trong người làm trẻ không thể chịu đựng được nữa, cảm thấy có tội lỗi sau khi ăn uống quá nhiều.

- Sau khi ăn xong, trẻ lại tìm mọi cách để đẩy thức ăn ra khỏi cơ thể mình bằng cách như là dùng thuốc tẩy, thuốc nhuận tràng, dùng thuốc gây nôn, thuốc lợi tiểu...

- Những trẻ ăn vô độ tâm thần thường có cân nặng dao động, ít khi bị thấp cân như trong trường hợp chán ăn tâm thần.

Hậu quả của rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống, dù là chán ăn tâm thần hay ăn vô độ tâm thần đều dẫn đến những hậu quả về mặt cơ thể và tâm thần nghiêm trọng gồm có:

- Tụt huyết áp, mạch nhanh, thở nhanh.

- Rụng tóc và móng tay dễ gãy.

- Mất kinh nguyệt hoặc chậm hành kinh lần đầu.

- Mọc lông tơ khắp cơ thể.

- Đau đầu, không thể tập trung vào công việc.

- Thiếu máu.

- Xương giòn, dễ gãy.

- Sưng các khớp.

- Đau dạ dày.

- Tổn thương dạ dày và có thể tổn thương thận, dẫn đến suy thận.

- Sâu răng do tiếp xúc với dịch dạ dày quá nhiều acid.

- Má bị phồng lên do hậu quả của việc tuyến nước bọt mở rộng ra khi nôn liên tục.

- Rối loạn nước, điện giải nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng đến tim và có thể chết.

- Hệ thống hormon trong cơ thể bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, hormon tuyến yên, tuyến giáp, hormon của buồng trứng, hormon tuyến tụy, rối loạn sự phát triển của buồng trứng... làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và chức năng của trẻ sau này.

- Trẻ có thể có biểu hiện rối loạn về tâm thần như là trầm cảm, lo âu, ám ảnh, thu rút các mối quan hệ xã hội, có thể dễ dàng dẫn đến hành vi sử dụng các chất kích thích như là rượu, thuốc lá hoặc các chất gây nghiện khác.

Nguyên nhân của tình trạng rối loạn ăn uống

Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng bệnh lý này đến nay vẫn còn chưa rõ ràng. Người ta cho rằng đây là sự kết hợp của nhiều yếu tố về tâm lý xã hội, yếu tố di truyền, yếu tố gia đình.

- Nếu trong gia đình trẻ, bố hoặc mẹ có vấn đề về rối loạn ăn uống thì trẻ có nhiều nguy cơ bị rối loạn ăn uống.

- Những trẻ tham gia vào những hoạt động thể dục thể thao có tính chất thi đấu cạnh tranh cần phải có dáng người gầy như là múa ballet, thể dục thẩm mỹ, trình diễn thời trang... thường hay để ý quá mức đến vẻ bề ngoài của mình, mặc dầu có sự khác xa giữa cách nghĩ của trẻ về hình dáng của mình và hình dáng bên ngoài của trẻ.

- Trong gia đình nếu có mẹ hoặc bố có vấn đề về rối loạn ăn uống thì ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống của trẻ và trẻ cũng dễ có những rối loạn ăn uống.

- Những trẻ có tiền sử bị lạm dụng về cơ thể hoặc bị lạm dụng về tình dục cũng có xu hướng dễ mắc chứng rối loạn ăn uống.

- Một yếu tố thuận lợi nữa là những trẻ có lòng tự tin thấp thường dễ mắc chứng này và những trẻ này thường không cảm thấy hài lòng về cơ thể của mình.

- Người ta cũng thấy rằng những hình ảnh trên tivi cũng có ảnh hưởng quan trọng đến tỷ lệ rối loạn ăn uống. Hầu hết những hình ảnh phụ nữ trên tivi ở mục quảng cáo, phim, thời trang đều là những người rất gầy và điều này dẫn đến nhiều trẻ gái cho rằng gầy là thể hiện của cái đẹp.

- Nhiều thông tin không có tính chất khoa học ở một số trang web, báo chí về cách giảm béo khi trẻ đọc được kết hợp với nhận thức chưa đầy đủ của trẻ đã được áp dụng dẫn đến rối loạn về ăn uống.

Với những bệnh nhân rối loạn ăn uống cần phải xử lý như thế nào?

Việc điều trị rối loạn ăn uống đòi hỏi có một sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và bác sĩ chuyên khoa. Hầu hết các trường hợp đều được điều trị ngoại trú. Chỉ nhập viện điều trị nội trú những trường hợp nặng, có những biểu hiện nguy hiểm như rối loạn nước điện giải nặng, suy thận...

Điều trị là sự kết hợp giữa liệu pháp phục hồi dinh dưỡng của bệnh nhân, liệu pháp tâm lý xã hội, liệu pháp dược lý. Các bậc cha mẹ nên cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để có những hướng dẫn cụ thể.

 

BS. Trịnh Thị Bích Huyền (BV Bạch Mai)
Theo SK&ĐS