Bệnh mắt ở trẻ sơ sinh

Bệnh mắt ở trẻ sơ sinh

Mắt trẻ sơ sinh vốn mỏng manh, nếu không biết cách chăm sóc, theo dõi đúng cách có thể sẽ để lại những hậu quả thật đáng tiếc...

Mắt trẻ sơ sinh vốn mỏng manh, nếu không biết cách chăm sóc, theo dõi đúng cách có thể sẽ để lại những hậu quả thật đáng tiếc...

Những bệnh lý thường gặp

Trong những lần khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ tập trung hướng dẫn những điều quan trọng cho các bà mẹ. Chuyện chăm sóc mắt trẻ thơ ra sao ít vị quan tâm, vị nào chu đáo hơn thì nói qua loa… Bạn cần có những kiến thức cơ bản về các bệnh mắt ở trẻ sơ sinh để xử trí kịp thời.

 

- Viêm kết mạc: thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Phát hiện được là đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa trị ngay.

 

- Viêm kết mạc do hóa chất: thường xảy ra 24-48 giờ đầu sau sanh. Bệnh thường tự khỏi sau 48-72 giờ. Bệnh này do kết mạc mắt phản ứng với nitrat bạc - thuốc nhỏ mắt phòng ngừa viêm kết mạc do lậu cầu khuẩn.

 

- Viêm kết mạc lậu: do lậu cầu lây từ mẹ sang con trong giai đoạn xổ thai, biểu hiện sau sinh từ 3-5 ngày. Ban đầu, mắt trẻ tiết dịch lẫn máu, về sau mi mắt sưng đỏ tiết ra mủ. Có thể phòng ngừa hữu hiệu bệnh này bằng cách nhỏ nitrat bạc sau sinh, 1 giọt/lần/mắt. Khi mắt trẻ nhiễm bệnh, muốn trị tận gốc phải trị cả cha mẹ và bé. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng loét giác mạc, thủng giác mạc khiến trẻ bị mù.

 

- Viêm kết mạc do Chlamydia: bệnh lây từ mẹ sang con trong lúc mang thai. Khi nhiễm bệnh, sau sinh 5 ngày mắt sẽ tiết dịch, sau đó tiết ra mủ, 2 mắt sưng đỏ. Trị bằng Erythromycin và Teytacycline thuốc mỡ 1% bôi mắt 4-5 lần/ngày cho đến khi hết sưng đỏ.

 

- Viêm kết mạc do tụ cầu vàng: thường khởi phát sau 3 ngày tuổi, có thể chỉ một mắt bị bệnh, mủ không nhiều. Trị bệnh này bằng Teytacyline thuốc mỡ 1%, bôi mắt 4 lần/ngày, dùng trong năm ngày.

 

- Viêm kết mạc do virus: thường do Herpex simplex virus (HSV) gây nên. Trẻ nhiễm bệnh này từ mẹ, trong khi sanh. Bệnh phát trễ, thường từ 7-14 ngày sau sinh, có thể viêm ở một hoặc hai mắt. Nên cách ly bé với mẹ, dùng các thuốc kháng virus như Acyclovir (uống) và Nevirapin 3% thuốc mỡ bôi mắt 5 lần/ngày,  trong vòng 10 ngày.

Lưu ý: Các viêm kết mạc, trừ viêm do hóa chất, có thể phòng ngừa hữu hiệu nếu người mẹ khám thai định kỳ thường xuyên.

- Đục thủy tinh thể bẩm sinh: tương đối hiếm gặp, nhưng thường trẻ sơ sinh bị nặng hơn người lớn và gây mù nếu không được điều trị sớm (mổ). Biểu hiện: đồng tử trắng đục một phần hoặc toàn phần, lé hoặc mù.

- Tăng nhãn áp bẩm sinh (glaucoma): là bệnh tăng áp lực trong mắt kết hợp với mất thị lực. Khi cả cha và mẹ đều bị bệnh này, thì con cũng có nguy cơ bị, thường ở cả hai mắt. Biểu hiện: hay chảy nước mắt, sợ ánh sáng, nhãn cầu to hơn trẻ bình thường. Cần đưa trẻ đi điều trị ngay mới có thể tránh mù vĩnh viễn.

- Bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh non tháng (ROP): là bệnh lý mạch máu ở võng mạc. Bệnh này thường gặp ở những trẻ sinh thiếu tháng, đặc biệt là những trẻ được cho thở oxy liều cao (nồng độ oxy trên 40%). Có thể phát hiện bệnh này sớm nhất lúc bé từ 6-8 tuần tuổi nhờ đèn soi đáy mắt. Chỉ phát hiện bệnh sớm mới hy vọng điều trị tốt, vì điều trị bệnh này rất phức tạp. Cho nên, ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, chỉ nên cho trẻ thở oxy khi thật cần thiết, nếu lạm dụng thì nguy cơ bị ROP càng cao. Ngoài ra, nồng độ oxy cung cấp cho những trẻ này không nên vượt quá 40%, ngoại trừ các trường hợp bệnh lý nặng.

Lưu ý: Nên vệ sinh mắt trẻ sơ sinh bình thường trong tháng đầu bằng nước muối sinh lý NaCl 9%, liều: 1 giọt/mắt/lần sau khi tắm trẻ.

ThS.BS. Nguyễn Trọng Hiếu
Trưởng khoa Nhi sơ sinh, BV. Hùng Vương