Giấc ngủ của trẻ 1-3 tháng tuổi

Giấc ngủ của trẻ 1-3 tháng tuổi

Giờ thì con bạn đã bắt đầu thức ngày lâu hơn và ngủ nhiều hơn vào ban đêm, so với khi mới sinh. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là có thể, bởi mức độ hoạt động của các bé rất khác nhau.

Các giai đoạn trong giấc ngủ của trẻ cũng gần giống như bạn: ngủ lơ mơ, REM (mắt chuyển động nhanh), ngủ nhẹ, ngủ sâu, và ngủ rất sâu. Con của bạn đã bắt đầu ngủ qua đêm rồi - nhưng nên nhớ rằng định nghĩa ngủ qua đêm của trẻ vào thời điểm này chỉ là kéo dài khoảng 5 tiếng.

Do con bạn đã lanh lợi hơn và nhận biết được môi trường xung quanh vào ban ngày, bé sẽ dễ ngủ hơn vào ban đêm, đặc biệt khi bạn kiềm chế không chơi hoặc nói chuyện với bé vào ban đêm.

Con của bạn sẽ thích nghi với chu kỳ ngủ - thức mà bố mẹ bé tạo ra, và bụng của bé cũng phát triển hơn để chứa nhiều sữa. Điều đó có nghĩa là bé có thể ngủ tới 7-8 giờ mà không bị thức dậy do đói. Vào khoảng 3 tháng tuổi, nếu bạn cho bé ăn và ngủ vào lúc 10 giờ tối, bạn có thể sẽ được hưởng cả giấc ngủ cho đến sáng. Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng có thời gian biểu giống nhau.

Không có gì lạ khi trẻ ở tuổi này thường nhầm lẫn giữa ngày và đêm. Nếu bạn thấy bé ngủ quá nhiều khi bạn muốn bé thức hoặc ngược lại, chỉ cần khuyến khích bé tỉnh dậy nhiều vào ban ngày. Chẳng hạn, nếu bạn thấy bé thích ngủ đẫy cả chiều, hãy đánh thức bé dậy vài giờ một lần và chơi với bé. Giữ cho bé luôn được hưng phấn vào ban ngày để kéo dài thời gian ngủ ban đêm. Nếu có thể, giữ cho bé thức đến 10-11 giờ đêm, khi đó thời gian ngủ của bé sẽ được kéo dài tối đa.

Nếu bé thức vào đêm, hãy cố gắng hạn chế hoạt động đến mức có thể. Thay tã cho bé hoặc cho bé ăn trong bóng tối, đừng chơi với bé. Trẻ sẽ bắt đầu nhận ra bạn chẳng hề hứng thú vào ban đêm, vì vậy bé sẽ chẳng còn việc gì khác là ngủ tiếp.

Đồng thời luôn đảm bảo giấc ngủ của bé được an toàn. Đừng để bất cứ thứ gì trong cũi của bé mà có thể ảnh hưởng tới hơi thở - thậm chí một con thú nhồi bông rơi vào mặt bé cũng có thể gây rắc rối. Tránh những thứ có dây buộc hoặc ruy băng có thể quấn quanh cổ bé, kiểm tra những vật có góc cạnh, sắc nhọn. Hãy đảm bảo rằng chiếc cũi của bé luôn đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

Các bác sĩ cũng khuyên rằng nên đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ, thay vì nằm sấp hay nằm nghiêng. Nguyên nhân là khi trẻ nằm ngủ sấp sẽ bị tắc nghẽn hơi thở bởi bé sẽ khó tự thức dậy để di chuyển đầu.

Để tạo được thói quen đi ngủ cho bé, bạn cần phải tập luyện từ từ. Cho bé đi tắm, đọc truyện và hát ru sẽ làm bé dễ đi vào giấc ngủ và cũng gửi đến tín hiệu một ngày đã kết thúc. Cứ làm như vậy thường xuyên, bé sẽ liên hệ những hoạt động đó với giấc ngủ. Tốt hơn nữa, đặt bé vào cũi khi bé đang buồn ngủ nhưng vẫn thức. Bằng cách đó bé sẽ tự đưa mình vào giấc ngủ.

Mặc dù ban đầu việc này sẽ khó, nhưng các chuyên gia cho biết đây cũng là độ tuổi mà bạn có thể để bé quấy vài phút khi bé thức dậy vào ban đêm. Một số trẻ quẫy đạp, khóc dai dẳng hay gào to khi đang cố đưa mình trở lại vào giấc ngủ. Trừ khi bạn lo rằng bé đói hay ốm, hãy cứ thử để bé một mình. Về lâu dài nó điều đó sẽ giúp bé tự phát triển kỹ năng đưa mình ngủ trở lại mà không cần sự trợ giúp của bạn.