Tập cho trẻ thói quen tự đi vệ sinh

Tập cho trẻ thói quen tự đi vệ sinh

Một số cha mẹ gặp khó khăn trong vấn đề tập cho trẻ nhỏ tự đi vệ sinh. Đây không phải là công việc khó khăn, bé sẽ làm được nếu đã được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất và tình cảm.

 

Trong thời gian giữa 18 và 36 tháng tuổi là lúc các bắp thịt phát triển hoàn thiện hơn, vì thế có thể tập cho bé tự đi vệ sinh từ 2 tuổi trở lên. BS. Phạm Ngọc Thanh sẽ trao đổi với các bậc phụ huynh biết về vấn đề này.

 

Khi nào trẻ sẵn sàng để tự đi vệ sinh?

 

Dưới đây là những dấu hiệu cho biết trẻ sẵn sàng:

 

- Trẻ biết nhận ra những bộ phận của cơ thể, nhất là bộ phận tiểu tiện và đại tiện.

 

- Trẻ nói khá tốt và biết nói điều trẻ cần.

 

- Trẻ biết lúc nào tiểu tiêu và yêu cầu thay tã.

 

- Trẻ thích bắt chước cha mẹ, anh chị, bạn bè.

 

- Trẻ hợp tác và muốn làm vui lòng cha mẹ.

 

- Trẻ hiểu điều cha mẹ mong chờ ở trẻ.

 

- Trẻ đồng ý bỏ tã để ngồi bô.

 

Hai điểm cuối rất quan trọng. Nếu trẻ sẵn sàng và muốn hợp tác, thì việc học tự đi vệ sinh rất đơn giản.

 

Làm thế nào tập cho bé ngồi bô?

 

- Cha mẹ và cô giáo ở nhà trẻ cùng dùng những từ giống nhau để nói về việc đi vệ sinh.

 

- Để trẻ tự chọn loại bô và cho trẻ thời gian làm quen với bô.

 

- Đề nghị trẻ ngồi bô ở những thời điểm tương đối đều đặn mà không bắt buộc trẻ. Tập cho trẻ ngồi không quá 5 phút. Cha mẹ có thể đọc hoặc kể một câu truyện cho trẻ nghe trong 5 phút ngồi bô, hoặc chính trẻ tự xem sách.

 

- Nếu trong 2 tuần, trẻ chưa chịu tiểu tiêu trong bô, thì dẹp bô và thử lại 2-3 tháng sau. Trẻ cũng có thể ngồi trên cầu tiêu phù hợp với lứa tuổi của trẻ thay vì ngồi bô.

 

- Nếu trẻ chịu tự tiêu tiểu, thì nên ngợi khen trẻ. Nếu thành công đều đặn, thì có thể bỏ tã và cho trẻ mặc quần lót.

 

- Tránh trêu chọc, phê phán hoặc phạt trẻ khi trẻ thất bại. Trẻ cần được động viên, nâng đỡ và cảm thấy hãnh diện khi lớn lên.

 

Khả năng kiểm soát việc tiêu tiểu là một phần quan trọng của cuộc sống tự lập. Cha mẹ cần giúp trẻ phát huy tính tự lập từ 2-3 tuổi, chứ không nên để trẻ lệ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ lâu dài, vì như thế cha mẹ vô tình ngăn cản sự trưởng thành của trẻ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách sau này.
Theo Từ điển Y Dược trực tuyến